• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chung cư C8 Giảng Võ nguy hiểm cấp độ D: Hạn cuối di dời trong tháng 9/2014

Người dân chung cư chưa đồng thuận

Thực tế, ngay từ tháng 9/2013, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định di dời các hộ dân nhà C8 Giảng Võ và giao cho UBND quận Ba Đình triển khai, song từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại sao lại có câu chuyện chính quyền thì sốt sắng lo công trình sập đổ nguy hại đến tính mạng, tài sản, mà chính người dân đang sinh sống tại chỗ lại thờ ơ như vậy?

Kiến nghị tập thể ngày 20/8/2014 của 37 hộ dân đơn nguyên 3 nhà C8 cho thấy, lý do người dân không đồng tình di dời là vì còn nghi ngờ kết quả kiểm định của cơ quan chức năng. Mặt khác, người dân còn cho rằng, sau khi gia cố bằng khung thép khu vực cầu thang, đến nay, công trình vẫn sử dụng an toàn, không thấy xuất hiện vết nứt tại các vị trí liên kết giữa tường và cầu thang sau khi được sửa chữa, các căn hộ không bị lún nứt, thấm dột. Như vậy có thể kết luận, đến thời điểm này hiện tượng lún nứt đơn nguyên 3 nhà C8 đã hết?

Ngoài lý do trên, người dân còn lo lắng rằng, quyết định của UBND thành phố (QĐ 5374/QĐ-UBND ngày 4/9/2013) mới chỉ đề cập đến việc di dời dân ra khỏi nhà nguy hiểm, giao nhiệm vụ cho cơ quan hành chính mà không đề cập đến phương án cải tạo nhà C8. Trong khi việc chuyển về tạm cư tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp cách quá xa nơi ở cũ khiến cuộc sống người dân xáo trộn, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác như học hành của trẻ nhỏ, chăm sóc y tế của người già...

Trong phần kiến nghị, các hộ dân yêu cầu chỉ định đơn vị tư vấn độc lập thẩm định chất lượng nhà C8; thống nhất phương án, lộ trình cải tạo, xây dựng lại toàn bộ chung cư C8 Giảng Võ để tái định cư tại chỗ đối với các hộ dân đang sinh sống. Đặc biệt là công khai quy hoạch, quy mô công trình, chính sách hỗ trợ, tái định cư; đồng thời đối thoại trực tiếp với người dân để có tiếng nói chung, để dân hiểu và ủng hộ.

chung cư cũ
Nhà C8 Giảng Võ (Hà Nội) đang bị lún, lệch và ở mức độ nguy hiểm cấp D (mức độ nguy hiểm nhất).

 

Ai chịu trách nhiệm nếu chung cư sập đổ?

Trước những kiến nghị của người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đến hiện trường, gặp gỡ, trò chuyện với người dân đơn nguyên 3 nhà C8. Đối với quan điểm "nhà đã sửa, người dân an tâm sinh sống", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Cần phải hiểu rõ an toàn là yêu cầu cao nhất. Bà con nghĩ cải tạo thế là được nhưng nếu không may xảy ra động đất thì sao, phải lường trước những sự cố có thể xảy ra". Làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã chuyển các kiến nghị, tâm tư của người dân nhà C8 và đề nghị TP.Hà Nội đánh giá toàn diện chất lượng chung cư cũ, kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

Tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ngoài yêu cầu di dời các hộ dân, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương khẩn trương tuyên truyền, vận động các hộ dân chủ động di chuyển, trường hợp không chấp hành phải tiến hành cưỡng chế theo quy định. Cùng với việc bố trí nhà tạm cư, thành phố sẽ hỗ trợ các hộ dân di chuyển theo chính sách của thành phố, nếu hộ dân tự lo nhà tạm cư sẽ được hỗ trợ bằng tiền.

Việc cải tạo đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ cần được nghiên cứu xây dựng lại, đồng thời với việc cải tạo toàn bộ chung cư C8, gồm cả 3 đơn nguyên. Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực làm chủ đầu tư theo quy định và được sự đồng thuận của các hộ dân. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẩn trương thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Giảng Võ, làm cơ sở triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư C8.

Thực tế tại nhà C8 Giảng Võ cho thấy, mặc dù ý kiến "nhà đã sửa, người dân an tâm sinh sống" không phải là không có cơ sở, song việc sửa chữa, gia cố (bằng khung thép) rõ ràng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc thành phố triển khai cải tạo nhà C8 là chủ trương đúng nhằm bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho người dân sinh sống ở đây. Vì vậy người dân cần hiểu rõ để đồng thuận với chủ trương này vì lợi ích của chính mình và lợi ích cộng đồng.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, quận sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, trước mắt thực hiện vận động, tuyên truyền các hộ dân chủ động di dời. Kế hoạch cụ thể đã được lập, trường hợp có khó khăn vướng mắc khi triển khai quận sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của thành phố. Được biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn được giao trực tiếp chỉ đạo việc di dời các hộ dân ra khỏi đơn nguyên 3 nhà C8, bảo đảm an toàn theo quy định.
 
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại các chung cư nguy hiểm. Tập hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc về cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đề xuất giải pháp thực hiện, báo cáo UBND thành phố trong tháng 9/2014.

  • 0
  • By Admin
  • 30/08/2014
  • 17