• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chưa thông vốn cho nhà ở thu nhập thấp

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay đối với việc giải ngân nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho các dự án nhà ở thu nhập thấp.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, hiện đã có hàng chục dự án nhà ở được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, nếu không tháo gỡ được một số điểm nghẽn, đặc biệt là khơi thông vốn vay ưu đãi từ VDB, thì mục tiêu để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở còn bị chậm trễ. Hà Nội là thành phố đi đầu cả nước trong xây dựng quỹ nhà ở xã hội, song trong tổng số trên 10 dự án đang triển khai (5 dự án đã đưa hàng ra bán) mới chỉ có một dự án được vay vốn ưu đãi. Nếu vay vốn thương mại với lãi suất như hiện nay là từ 20 - 23% để xây dựng nhà ở xã hội thì không thể nói đến chuyện nhà giá rẻ.

Để khơi thông nguồn vốn cho nhà ở xã hội, cần giải quyết vướng mắc lớn nhất khiến các dự án nhà thu nhập thấp thời gian qua bị ngừng trệ là chủ đầu tư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) nên không thể dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn, không đăng ký được giao dịch đảm bảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, quy định này chỉ đúng trong trường hợp thông thường. Dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được ưu tiên, được miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Việc một số địa phương vận dụng các quy định một cách máy móc, chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở xã hội, đã gây khó khăn cho các chủ đầu tư khi thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại VDB. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố sớm triển khai việc cấp giấy chứng nhận để các chủ đầu tư làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.

Không chỉ vướng mắc về giấy chứng nhận, một số dự án đã không được cho vay vốn vì trong dự án nhà ở xã hội có các hạng mục kinh doanh thương mại. Cho dù với lý do rất chính đáng, các hạng mục kinh doanh thương mại là để phục vụ chính cư dân trong dự án, nhưng do liên quan đến việc tính giá bán nên khi thẩm định xét duyệt cho vay, phía ngân hàng không chấp nhận. Ngày 31/12/2010, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2694/BXD-QLN gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam, theo đó tỷ lệ tối đa đối với phần diện tích sử dụng cho mục đích thương mại, dịch vụ trong phạm vi dự án là 15% tổng diện sàn căn hộ trong các khối nhà ở của công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tại văn bản số 780/NHPT-TĐ ngày 11/3/2011, VDB đề nghị tỷ lệ này phải được đưa vào Thông tư hướng dẫn. Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để áp dụng thống nhất tại các địa phương trên cả nước.

Rõ ràng, một chủ trương khi triển khai trên thực tế cần có bước đi đồng bộ liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự thiếu đồng bộ, thiếu tính thực tiễn, khi tạo lập chính sách khiến cho chủ trương có đấy mà vẫn không thực hiện được. Cùng với việc khơi thông nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, cần nhanh chóng tạo ra nhiều kênh vốn cho nhà ở xã hội để khi thiếu hụt nguồn này còn có thể trông đợi vào nguồn khác.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Bộ Xây dựng vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Theo đó, CDB sẽ dành một khoản tín dụng lớn nhằm cung cấp cho các dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở Việt Nam. Bộ Xây dựng chưa tiết lộ thông tin về lãi suất cũng như điều kiện cho vay. Nhưng một nguồn tin cho biết, phía Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay 1,5 tỷ USD để phát triển dự án nhà ở thu nhập thấp.

(Theo KTĐT)


  • 0
  • By Admin
  • 28/04/2011
  • 17