• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chưa kiểm kê tổng thể quỹ đất Hà Nội!

Ông Nguyễn Tiến Khang - nguyên Phó vụ trưởng Vụ đăng ký và Thống kê đất đai Bộ TNMT - nói về việc kiểm kê đất tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

Từ ngày 2/04/2008, chức năng nhiệm vụ của Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai được chuyển sang Tổng cục Quản lý đất đai vừa được thành lập. Theo ông Khang, việc kiểm kê đất đai là theo định kỳ 5 năm 1 lần. Trước khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập Hà Nội thì chưa kiểm kê.

Có thể, nội bộ của các địa phương có diện tích đất sáp nhập về họ làm kiểm kê nhưng là chuyện của mỗi địa phương. Muốn kiểm kê phải từ đơn vị xã, phường, vì đất giao cho UBND các xã, phường trực tiếp quản lý. Bởi vậy khi sáp nhập nhưng chưa có chủ trương chia tách địa giới hành chính các xã, phường thì không cần thiết.

Hiện Tổng cục Quản lý đất đại đang triển khai, dự kiến 30/8 các đơn vị cấp xã phường sẽ phải báo cáo, đến 30/9 cấp huyện báo cáo và 31/10 thì thành phố báo cáo.

Kiểm kê quỹ đất trên địa bàn Thủ đô cũng như các địa phương khác trong cả nước theo Chỉ thị số 31 là nhằm xác định rõ diện tích đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng; diện tích lấn chiếm, diện tích bị lấn chiếm; diện tích sử dụng sai mục đích; diện tích đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng làm cơ sở để đánh giá đúng thực trạng tình hình và đề xuất các biện pháp quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đối với quỹ đất đã giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng.

Công tác này còn nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai của các tổ chức trên từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh và cả nước để từng bước hoàn thiện và đưa công tác quản lý, sử dụng quỹ đất của các tổ chức ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, kết quả của đợt kiểm kê này sẽ là một trong những cơ sở để Nhà nước xem xét việc có tiếp tục giao, cho thuê hay thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất của các tổ chức đang được giao, cho thuê.

Mặc dù đối tượng hẹp hơn nhưng lại kiểm tra chi tiết hơn. Nếu như kiểm tra định kỳ chỉ tính trên đơn vị hành chính, ví dụ 1 đơn vị hành chính cấp xã thì có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp, bao nhiêu diện tích đất phi nông nghiệp nhưng không liệt kê ra có bao nhiêu chủ sử dụng đất, còn lần này sẽ chi tiết cụ thể.

Ví thử trên địa bàn Hà Nội có 1.000 đơn vị tổ chức thì sẽ làm rõ từng chủ sử dụng đất sử dụng diện tích là bao nhiêu, đã được cấp sổ hay chưa, sử dụng vào mục đích gì...

Hiện trạng diện tích tính theo loại đất của các tổ chức trong quá trình kiểm kê sẽ được đối chiếu giữa hồ sơ giao đất, cho thuê đất, hồ sơ địa chính, số liệu kiểm kê.

Theo ông Khang, khi các địa phương sáp nhập về Hà Nội, không thể khẳng định các chính sách ưu đãi về đất của các địa phương có bị mất đi hay không, chẳng hạn như Hà Tây có quy định quỹ đất dịch vụ 10% dành cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Bởi khi sáp nhập một số địa phương về Hà Nội thì lãnh đạo thành phố cũng sẽ phải tính đến các chính sách trước đây các địa phương đã làm để đưa ra quyết định phù hợp. Theo đó, cái gì tốt thì chắc chắn sẽ đươc giữ lại.
 
Theo Phan Nam
DDDN
  • 287
  • By Admin
  • 14/04/2008
  • 17