• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: Thị trường sụt giảm cũng có mặt tích cực

* Ông nhận định thế nào về thông tin thị trường bất động sản TP.HCM đang hồi phục?

- Tôi cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM vẫn còn rất khó khăn. Hồi phục mà nhiều người nói đến ở đây là những giao dịch thành công ở phân khúc thị trường có giá trị từ 1,5 tỉ đồng/căn trở lại. Giao dịch này có được là từ những người có nhu cầu thực sự nhưng không đủ tiền mua lúc thị trường đang sốt, nay giá cả đã trở về mức hợp lý hơn. Còn các căn hộ cao cấp, các dự án "hot" đã từng gây nên các vụ xếp hàng tranh mua xôn xao trước đây thì vẫn trong tình trạng hầu như không có giao dịch. Nói chung, đây chưa phải là dấu hiệu của sự hồi phục. Hay nói cách khác, cơn sốt ảo trước đây đã làm nhà đầu tư quên đi những người có nhu cầu thực sự. Nay, khi giá nhà đất về mức hợp lý thì đã có một số người quay sang đầu tư căn hộ nhỏ, giá trung bình và thấp để thu hút thị phần này.

* Nói như thế, thị trường bất động sản sụt giảm và đóng băng như hiện nay cũng có mặt tích cực của nó?

- Đúng vậy, mặt tích cực của thị trường sụt giảm và đóng băng trong những tháng vừa qua là loại ra được những nhà đầu tư cơ hội, loại bỏ được yếu tố kích giá, làm giá. Tôi cho rằng, thị trường suy giảm hiện nay chính là một "bộ lọc" mà qua đó, yếu tố tích cực được thể hiện rất rõ là những nhà đầu tư cơ hội bị thiệt hại rất lớn. Đối với các doanh nghiệp, đây là thời gian loại bỏ những chủ đầu tư kém năng lực. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp bất động sản phải "tái cấu trúc" lại để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trước đây có doanh nghiệp nắm trong tay hàng chục, thậm chí vài chục dự án thì bây giờ họ phải "liệu cơm gắp mắm", hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải. Về mặt quản lý, Nhà nước đã nhìn thấy rõ nguyên nhân gây nên những cơn sốt là do đầu cơ và việc buông lỏng tín dụng cho vay bất động sản. Và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chống đầu cơ của mình qua việc thắt chặt tín dụng bất động sản. Đặc biệt, giá cả thị trường đã quay trở lại mức hợp lý ở thị phần căn hộ và đất dự án.

* Giá đã có vẻ hợp lý, vậy theo ông, đây đã là thời điểm mà những người có nhu cầu thực sự nên mua nhà?

- Theo tôi là nên, vì không chỉ có giá hợp lý mà thời điểm này những người đi mua nhà còn có rất nhiều sự lựa chọn. Nếu trước đây phải mua suất đầu tư ở chỗ này, chỗ khác thì nay được chào mời, được lựa chọn ở khắp các dự án. 

* Nhưng như ông vừa nói trên, nhà đầu tư cơ hội đã bị thiệt hại lớn nhưng các chủ dự án thì sao? Trên thực tế có rất nhiều dự án cũng lợi dụng sự nóng lên của thị trường để điều chỉnh giá bán, nhưng đến khi thị trường sụt giảm họ lại không động tĩnh gì?

- Đây là một thực tế thị trường mà chúng ta phải chấp nhận. Thị trường suy thoái, có những doanh nghiệp vượt trội hẳn lên nhưng cũng có những doanh nghiệp bị đào thải. Đối với các khu đô thị đặc biệt như TP.HCM, sức hấp dẫn là rất cao với nhà đầu tư và cả người dân. Bên cạnh đó, theo quy luật trên thị trường bất động sản, những khủng hoảng như thế này thường không kéo dài quá 3 năm.  Có nhiều dấu hiệu cho thấy cuối năm 2009 thị trường sẽ hồi phục trở lại. Mà nếu hồi phục thì những doanh nghiệp vượt qua thời gian này sẽ có sẵn hàng cho thị trường và họ lại đạt hiệu quả đầu tư rất cao. Vì vậy, những doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính họ sẽ giữ lại các lượng hàng đó, không bán ra lúc này mà để đến khi thị trường thực sự hồi phục sẽ bán ra và thu hoạch với giá cao.

* Nhưng như vậy cũng có thể nói là nhiều bất động sản dù đã giảm tới giá gốc nhưng vẫn chưa thực sự là giá hợp lý, thưa ông?

- Thị trường luôn bị chi phối bởi 3 quy luật là quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh. Vì vậy, hãy cứ để cho thị trường tự điều tiết những vấn đề này. Nếu doanh nghiệp đưa giá quá cao thì họ sẽ không bán được hàng. Người tiêu dùng cũng sẽ thẩm định các mức giá và khi nào họ thấy hợp lý thì họ sẽ mua vào. Đó là lý do các doanh nghiệp không điều chỉnh giá phải đợi đến thời điểm khác mới có thể bung hàng ra.

* Ông vừa nói đến những tín hiệu về sự phục hồi của thị trường bất động sản vào cuối năm 2009, cụ thể là gì?

- Thị trường bất động sản không tách rời hoạt động nền kinh tế đất nước và cả kinh tế thế giới. Hiện nay, các biện pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng. Vì vậy, khi đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lúc đó Nhà nước sẽ nới lỏng các chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, hiện nay xu thế của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng có tới 40% là vào bất động sản. Bên cạnh đó, một thị phần rất lớn chưa được khai phá là mảng nhà ở xã hội... Đó là những dấu hiệu cho thấy, thị trường có thể hồi phục vào cuối năm sau.

Theo Thanh Niên

  • 0
  • By Admin
  • 25/08/2008
  • 17