• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ tịch HĐQT Vincom: "Đây là thời điểm tốt để mua nhà"

DN nhỏ, chụp giật sẽ bị sàng lọc

Trước bối cảnh Chính phủ siết chặt tín dụng phi sản xuất nhằm ngăn chặn lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khiến doanh nghiệp BĐS lao đao vì thiếu vốn, thị trường cũng rơi vào trầm lắng, ông Lê Khắc Hiệp cho rằng, đây là thời điểm mang tính sàng lọc, tạo đà để thị trường BĐS phát triển bền vững hơn. Nói cách khác, đây cũng là cơ hội dành cho những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về tài chính, có kinh nghiệm và đội ngũ nhân sự giỏi.

Có thể hình dung, nếu chủ đầu tư một dự án có tiềm lực tốt và kinh nghiệm thì có thể đẩy nhanh được tiến độ xây dựng - một trong những biện pháp quan trọng để doanh nghiệp BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngược lại nếu tiến độ triển khai dự án càng chậm thì tiền lãi vay phải trả sẽ càng nhiều.

Chi phí đầu vào, trong đó có lãi suất vay vốn ngân hàng rất cao mà đầu ra trầm lắng khiến thị trường có tâm lý trông chờ các động thái giảm giá từ các chủ đầu tư. Nhưng đại diện Vincom lại có quan điểm trái ngược.

"Trước khi xác định giá bán, chúng tôi đã nghiên cứu rất sít sao để sản phẩm có giá hợp lý nhất với thị trường. Do đó, chúng tôi sẽ không giảm giá nhưng lại cam kết hạn chế tăng giá, mà việc loại bỏ tính trượt giá sản phẩm theo chỉ số giá (CPI) vừa qua nhằm hỗ trợ khách hàng mua căn hộ tại 2 khu đô thị Royal City và Times City là một ví dụ" - ông Hiệp nhìn nhận.


Chủ tịch HĐQT Vincom: "Đây là thời điểm tốt để mua nhà" | ảnh 1

Ông Lê Khắc Hiệp tại bàn tròn trực tuyến trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ảnh Lê Anh Dũng).
 

Trả lời câu hỏi về tại sao Vincom lại chọn thị trường BĐS cao cấp, ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì mọi người càng quan tâm tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó nơi ở đóng vai trò quan trọng.

Bất động sản không hẳn là phi sản xuất

Dự đoán về thị trường BĐS thời gian tới, vị Chủ tịch Vincom đánh giá, trong ngắn hạn sẽ không có sự thay đổi lớn về chính sách. Nhờ vậy, lạm phát sẽ dần giảm đi. Khi đó sẽ là một tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS bởi nguồn vốn vào thị trường này sẽ dồi dào hơn, người dân chi tiêu, mua sắm BĐS cũng sẽ thoáng hơn.

Khi được hỏi quan điểm cá nhân của mình về việc các nhà hoạch định chính sách xếp BĐS vào nhóm "phi sản xuất" để thắt chặt tín dụng trong giai đoạn này, ông Lê Khắc Hiệp nêu ý kiến, không nên gộp chung như vậy.

Bởi theo ông, ngay cả các ngân hàng cũng có đơn vị làm ăn tốt hoặc chưa tốt nên quy định mức tín dụng chung là chưa hợp lý. Tương tự như vậy đối với BĐS, với những dự án hay những doanh nghiệp tốt thì không nên dùng chính sách cho vay để làm khó. "Tôi nghĩ cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này".

Thực ra ý kiến của đại diện Vincom cũng tương đồng như ý kiến của nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quản lý kinh tế thời gian gần đây. Ai cũng hiểu rằng xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn tạo ra sản phẩm đặc thù; có tác dụng đầu kéo, tác động và liên hệ mật thiết với các ngành sản xuất khác, trong đó có vật liệu xây dựng, thị trường lao động.

Mục tiêu của chính sách đưa ra chủ yếu nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại, chôn vốn và tạo nên bong bóng BĐS. Do đó, cần phân tách rõ được các hoạt động sản xuất và phi sản xuất trong BĐS từ đó có chính sách thặt chặt đúng đối tượng.

"Để thị trường phát triển ổn định, không trở thành nhân tố gây ra lạm phát cao, đồng thời cũng không bị "sốc" dẫn đến đóng băng thị trường, cốt lõi cần phải đưa ra tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay đúng đối tượng có nhu cầu thực, các dự án có tính thanh khoản cao... Việc coi bất động sản thuộc lĩnh vực phi sản xuất để hạn chế tín dụng mà không phân biệt các loại bất động sản thiết yếu là chưa thỏa đáng" - báo cáo tình hình thị trường BĐS và một số giải pháp của Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ hôm 12/5 cũng không ngần ngại nêu rõ.

(Theo Vef)

  • 140
  • By Admin
  • 20/05/2011
  • 17