Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sông Đà sai phạm có hệ thống
Trong số những cán bộ giữ chức vụ quan trọng bị xử lý kỷ luật có ông Lê Văn Quế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sông Đà, bị kỷ luật với hình thức khiển trách vì đã sai phạm trong việc chỉ định thầu dự án xây dựng tháp đôi Sông Đà Twin Tower. Nhưng sau những sai phạm nghiêm trọng này, có tin ông Chủ tịch hơn 63 tuổi sẽ về hưu trong thời gian tới.Tòa tháp đôi Songda Twin Tower |
Nhưng với những sai phạm và mức độ trách nhiệm mà ông Lê Văn Quế bị xử lý như vậy, nhiều người cho rằng quá nhẹ và không công bằng khi so sánh với việc xử lý vi phạm đối với Chủ tịch tập đoàn Vinashin.
Đấu thầu kiểu... phá luật
Theo kết luận của UBKT Trung ương, ông Quế đã sai phạm trong việc chỉ định thầu 5/14 gói thầu xây dựng tòa tháp đôi Songda Twin Tower trên đường Phạm Hùng (Hà Nội). Tất cả các gói thầu vi phạm Luật Đấu thầu này đều được ông Quế ký quyết định chỉ định các công ty cổ phần mà Tập đoàn Sông Đà nắm giữ cổ phần thấp, như: gói thầu HH4.05, giá hơn 232 tỷ đồng chỉ định Cty CP Sông Đà 25 thực hiện; gói thầu HH4.06 trị giá gần 121 tỷ đồng chỉ định CTCP Sodaco thực hiện; gói thầu HH4.08 trị giá gần 109 tỷ đồng chỉ định Cty CP xây lắp và dịch vụ Sông Đà thực hiện… Tổng cộng 5 gói thầu, số tiền chỉ định thầu trái pháp luật lên đến hơn 527 tỷ đồng.
Ông Quế còn quyết định lựa chọn 2 nhà thầu cùng thực hiện một gói thầu, điều mà pháp luật tuyệt đối cấm. Tại Quyết định 74/TCT-HĐQT, ông Quế đã chọn hai nhà thầu là Công ty TNHH Thang máy Thăng Long và nhà thầu liên danh CTCP thang máy TID và Cty cổ phần thang máy và xây dựng Tài Nguyên. Theo ước tính ban đầu, việc chọn nhà thầu tùy tiện này đã gây thiệt hại hơn 3,144 tỷ đồng cho Công ty.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, những gói thầu xây dựng sử dụng vốn Nhà nước có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên thì phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhằm tránh tình trạng chỉ định “sân sau” thực hiện gói thầu và nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong quá trình đấu thầu, đặc biệt là tình trạng “đi đêm” với nhà thầu để rút tiền của Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Quế đã bất chấp quy định của pháp luật, chỉ định thầu cả những gói thầu mà pháp luật bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Đằng sau những việc làm trái pháp luật này có tiêu cực hay không, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trả lời rõ ràng.
Để nhà thầu tự quyết định giá
Vi phạm của ông Quế không chỉ có những việc chỉ định thầu trái luật hay chọn hai nhà thầu cùng thực hiện một gói thầu, mà còn những việc trái pháp luật đến khó tin khác là chọn nhà thầu không đủ năng lực và để cho nhà thầu “làm hết bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu”.
Theo Quyết định số 57/TCT-HĐQT, ngày 1/4/2009 do ông Lê Văn Quế ký, chỉ định CTCP tư vấn SUDICO thực hiện gói thầu thiết kế, thi công nội và ngoại thất toàn bộ dự án tòa nhà hỗn hợp HH4 thuộc Songda Twin Tower.
Đây cũng lại là một gói thầu được chỉ định trái pháp luật khác vì giá trị gói thầu này cũng lên đến cả chục tỷ đồng, bắt buộc phải chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Theo quyết định chỉ định thầu, SUDICO được giao toàn bộ việc thiết kế và thi công xây lắp phần nội, ngoại thấy của tòa nhà HH4 và kiêm luôn cả việc cung cấp các sản phẩm hoàn thiện nội và ngoại thất của tòa nhà.
Tuy nhiên, sau khi “nhận thầu”, CTCP tư vấn SUDICO đã “bán lại” một phần gói thầu cho nhà thầu phụ là CTCP xây dựng Việt Tín. Nhà thầu phụ này làm gần như toàn bộ nội thất từ tầng 17 đến tầng 27 của tòa nhà HH4.
Khi CTCP Tư vấn SUDICO được chọn làm nhà thầu, thì Tập đoàn Sông Đà đã ký với nhà thầu này những điều khoản hết sức… có lợi cho nhà thầu. Giá thiết kế nội thất được xác định là gần 2,1 tỷ đồng theo dự toán của Tập đoàn, nhưng nhà thầu sẽ được thanh toán theo giá trị thực tế thi công tính theo mét vuông. Như vậy, dự toán của chủ đầu tư, Tập đoàn Sông Đà, chỉ là để… tham khảo.
Phần thi công ngoại thất tòa nhà còn vô lý hơn. Giá trị thanh toán phần ngoại thất, tính cả sân và vườn khoảng 5,9 tỷ đồng (theo dự toán) nhưng theo hợp đồng thì giá thực thanh toán cho nhà thầu sẽ được tính trên cơ sở “dự toán chi tiết do nhà thầu lập”. Hiểu một cách đơn giản là nhà thầu làm hết bao nhiêu thì chủ đầu tư phải thanh toán bấy nhiêu.
Sau này, hai bên đã thỏa thuận giá thanh toán bằng 70% giá trị dự toán chi tiết do nhà thầu lập. Nhưng không hiểu căn cứ nào mà Tập đoàn Sông Đà lại thanh toán theo kiểu “mặc cả” với nhà thầu cái giá bằng 70% giá nhà thầu đưa ra như vậy. Đối với các sản phẩm hoàn thiện do nhà thầu cung cấp thì không hiểu Tập đoàn Sông Đà sẽ phải trả theo giá nào và nhà nước phải trả “oan” bao nhiêu tiền?
Dự án tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Twin Tower của Tập đoàn Sông Đà được phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư xấp xỉ 600 tỷ đồng và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào Quý I/2008. Tuy nhiên, đã gần bước sang Quý I/2011 mà công trình này vẫn chưa xong và số vốn đầu tư phải tăng lên 1.073 tỷ đồng, gần gấp đôi dự toán ban đầu. Sự chậm chễ tiến độ khiến cho Tập toàn tiếp tục phải “móc hầu bao” cho nhiều khoản chi phát sinh.
Hiện nhiều hạng mục đã thi công xong, nhưng Tập đoàn chưa có tiền trả cho nhà thầu thi công. Đây là hậu quả trực tiếp từ những quyết định không đúng pháp luật mà cá nhân người đứng đầu Tập đoàn kinh tế này phải chịu trách nhiệm. Được biết trong thời gian qua, Tập đoàn Sông Đà còn đầu tư dự án Nhà máy xi măng Hạ Long với số vốn đầu tư lớn hơn nhiều dự án tòa nhà hỗn hơn HH4 và dự án này cũng bị chậm tiến độ, phải tăng vốn đầu tư.
Với những làm sai phạm này, nếu không xem xét xử lý mà để cán bộ làm sai “hạ cánh” an toàn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Việc chỉ định thầu trái pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho nhà thầu như trên có đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng và Luật sư Ngô Trung Kiên về vấn đề này: - Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, theo đánh giá của ông thì đằng sau việc chỉ định thầu không đúng pháp luật này có tiêu cực không?
- Trong trường hợp không phát hiện ra chứng cứ về việc người chỉ định thầu và nhà thầu có tiêu cực thì những sai phạm trong đấu thầu như trên không thể xử lý được hay sao, thưa ông? - Nếu có tiêu cực thì việc làm trái pháp luật trên vi phạm các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến tham nhũng như “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hay “tham ô tài sản”… Nhưng ngay cả khi không xác định được có tiêu cực thì việc đấu thầu trái pháp luật vẫn mang dấu hiệu vi phạm luật hình sự nếu xác định được “hậu quả nghiêm trọng” của việc làm trái pháp luật này. - Thưa Luật sư Ngô Trung Kiên, làm thế nào để xác định được thiệt hại của các quyết định trái luật?
Việc chỉ định thầu trái pháp luật, ký hợp đồng với nhà thầu không đúng quy định có thể đã phạm tội “làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, nếu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 BLHS, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên. - Vậy, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm của việc chỉ định thầu trái pháp luật này như thế nào, thưa ông? - Với vụ việc có dấu hiệu tội phạm, CQĐT cần phải khởi tố vụ án và tiến hành trưng cầu giám định tài chính để xác định thiệt hại làm cơ sở xử lý. Khi có kết quả giám định sẽ xác định được chính xác thiệt hại và có đủ cơ sở để truy tố người vi phạm. - Xin cảm ơn ông. |
(Theo PLVN)
- 0
- By Admin
- 20/12/2010
- 17