Chủ tịch HĐQT Nhà Từ Liêm: "Chúng tôi không có hàng tồn"
Ông Nguyễn Văn Kha |
- Vừa qua, dư luận quan tâm đến con số hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản có giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Kết quả thống kê trên theo ông có chính xác hay không?
Tôi cho rằng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản được đưa ra gần đây là không chính xác. Bởi việc thống kê lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản là rất khó. Ngay với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, việc thống kê cũng không chính xác. Bởi chúng ta chưa có chuẩn mực, hay tiêu chí đánh giá hàng tồn, nên các con số đưa ra không có căn cứ.
- Như vậy, giá trị hàng tồn của doanh nghiệp được thống kê gần đây là có vấn đề? Nhưng nếu đánh giá về lượng hàng tồn của Nhà Từ Liêm đến thời điểm này, ông có thể ước chừng là bao nhiêu?
Chúng tôi không có hàng tồn kho. Bởi nhà chúng tôi làm ra đã bán hết, chỉ là chưa bàn giao hết cho người mua. Đó là lý do khi kiểm toán, kiểm toán viên thấy vẫn rủi ro nên xác định đấy là hàng tồn. Nhưng nếu như thế thì cách đặt vấn đề thế nào là hàng tồn kho là chưa chuẩn mực. Tôi không biết ở Tp.HCM thế nào, nhưng tại Hà Nội trước kia, chủ đầu tư làm móng xong là đã bán hết hàng rồi. Mà hàng đã bán rồi thì không thể gọi là hàng tồn.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là lĩnh vực sản xuất nào cũng có hàng tồn, nhưng phải phân biệt là tồn ở góc độ nào, giai đoạn nào. Chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản chưa bán hết hàng thì gọi đó là hàng tồn, nhưng nếu coi đất của doanh nghiệp chưa sử dụng là hàng tồn thì không đúng. Vì thế, việc đánh giá, định nghĩa thế nào là hàng tồn trong bất động sản theo tôi không hề đơn giản.
- Nếu coi sản phẩm chưa bán hết của doanh nghiệp là hàng tồn thì lượng hàng tồn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng không nhỏ. Bởi thời gian qua rất nhiều chủ dự án vẫn phải hạ giá bán để đẩy hàng tồn?
Việc hạ giá bán để đẩy hàng tồn trên thị trường thời gian qua là có thật và nó chỉ xảy ra với các doanh nghiệp khó khăn về vốn. Nhưng rất khó đánh giá giá trị lượng hàng tồn của các doanh nghiệp hiện nay.
Theo tôi được biết, nhiều doanh nghiệp chưa bán được hàng hiện cũng không dám bán, cũng như không dám triển khai tiếp dự án. Còn nếu hạ giá bán, chẳng qua doanh nghiệp cũng chỉ muốn cho sản phẩm có giao dịch chứ việc bán hết hàng là hết sức khó khăn. Vì thế, có rất ít chủ đầu tư dám giảm giá mạnh để bán hàng trong thời điểm hiện nay.
- Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản phẩm và hướng đến sản phầm nhà diện tích nhỏ, giá vừa phải như một lối thoát. Trong kế hoạch của mình, Nhà Từ Liêm có ý định đầu tư vào sản phẩm nhà giá rẻ hay không?
Với tình hình hiện nay, nếu bán với giá 14 triệu đồng/m2, doanh nghiệp chắc chắn lỗ, nên chúng tôi không làm. Tôi cho rằng, chỉ những doanh nghiệp đã chót đầu tư mới chấp nhận làm nhà giá rẻ. Nếu làm nhà bán với giá 14 - 15 triệu đồng/m2, để không lỗ, chủ đầu tư sẽ phải cắt bớt nhiều nguyên vật liệu, khi đó, chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, các doanh nghiệp đi theo hướng đó chẳng qua là bất đắc dĩ và là biện pháp để thoái vốn rút khỏi thị trường.
- Có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài vì niềm tin của nhà đầu tư và người có nhu cầu mua nhà để ở không còn. Theo ông, làm thế nào để nhà đầu tư lấy lại niềm tin?
Tôi vẫn khẳng định là tiền trong dân vẫn còn nhiều và nhà, đất không có giao dịch không phải vấn đề giá cao hay thấp, mà vấn đề là niềm tin của người mua nhà không còn. Việc lấy lại niềm tin của khách hàng hiện cũng không đơn giản và phải mất rất nhiều thời gian.
Để niềm tin người mua nhà trở lại, theo tôi, các chính sách vĩ mô phải làm sao thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất phát triển. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản cũng phải xây dựng thương hiệu, uy tín bằng tiến độ, chất lượng và sự hoàn thiện của dự án. Quá trình này theo tôi sẽ mất nhiều thời gian, nhưng nếu làm được, niềm tin thị trường sẽ quay trở lại.
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 17/09/2012
- 17