• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ đầu tư, nhà quản lý nói gì về việc sở hữu chung cư có thời hạn

Ông Nguyễn Quốc Khánh – TGĐ CTCP đầu tư và phân phối DTJ – Sàn BĐS DTJ Hà Nội: Sẽ làm được nếu có chính sách đồng bộ

Đúng là ở nước ngoài hầu hết các chung cư đều có thời hạn sử dụng 50 năm. Sau khoảng thời gian đấy, các công trình phần nhiều xuống cấp, cũ nát, gây mất an toàn và làm xấu bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với tập quán sở hữu lâu dài, nếu quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ 50 năm thì người có nhu cầu sẽ không còn nhiều, trừ khi giá bán phải rất rẻ, trong khi thực tế hiện nay điều đó khó xảy ra, vì các chủ đầu tư để xin được đất đầu tư một dự án nhà chung cư đang phải bỏ ra chi phí rất lớn, giá thành cao.

Tôi cho rằng, Bộ Xây dựng muốn đề xuất này có thể đi vào cuộc sống thì cần phải có các quy định đồng bộ, tạo điều kiện thông thoáng cho chủ đầu tư, từ khâu cho doanh nghiệp thuê đất, GPMB, đến các khâu thực hiện dự án làm sao một dự án có thời gian hoàn thành ngắn, khả năng hoàn vốn nhanh, có thế mới khuyến khích được cả chủ đầu tư và người dân quan tâm đến phân khúc này khi quy định thời hạn sử dụng chung cư có hiệu lực. Lúc đó ví dụ giá chung cư sở hữu vĩnh viễn 30 triệu đồng/m2; giá chung cư sở hữu 50 năm giá chỉ 15 triệu đồng/m2 thôi. Mọi người sẽ tuỳ vào túi tiền và nhu cầu để lựa chọn. Còn nếu không có chính sách đồng bộ thì sẽ dẫn đến tình trạng chung cư cũ nhưng thuộc loại sở hữu vĩnh viễn thì lên giá, còn loại xây mới thì không ai mua.

Bên cạnh đó, theo luật quy định không hồi tố những công trình đã làm trước đây. Vậy với các chung cư đã giao rồi thì xử lý như thế nào? Hiện nay một số chính sách ban hành liên quan đến lĩnh vực xây dựng không quan tâm đến tính kế thừa, người làm sau không quan tâm đến người làm trước. Khi gặp vấn đề mới phải xử lý như thế nào, đó là một bất cập. Tôi cũng không cho rằng đây là giải pháp tốt để hạ nhiệt nhà chung cư, vì vấn đề mấu chốt là giải quyết được nhà ở cho người dân, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp, trong khi quy định này nếu xử lý không khéo, có khi lại là cơ hội để giá đất nền bị đẩy lên vì tâm lý người dân vẫn muốn có quyền sở hữu nhà đất. 

Ông Trương Xuân Liêm (Giám đốc Công ty BĐS Hà Nội Home)  cho biết: "ý tưởng nghe thì có vẻ hay, nhưng thiệt thòi đầu tiên thuộc về người dân bởi người dân thường có tâm lý sở hữu căn nhà vô thời hạn chứ không muốn sống trong những căn nhà thuê mướn, dù là dài hạn, nhất là khi họ đã bỏ hàng tỷ đồng gom góp cả đời. Đây chưa hẳn là giải pháp tốt để "hạ nhiệt" nhà chung cư, vấn đề mấu chốt là giải quyết được nhà ở cho người dân, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp. Trong khi quy định này nếu xử lý không khéo, có khi lại là cơ hội để giá đất nền bị đẩy lên vì tâm lý người dân vẫn muốn có quyền sở hữu nhà đất".

Ông Đào Chung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT: Đề xuất này áp dụng ở Việt Nam khó khả thi

Bộ TNMT đã nhận được văn bản của Bộ Xây dựng, đề nghị nghiên cứu việc quy định đất xây nhà chung cư cũng có thời hạn để phù hợp với đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Mặc dù, đề xuất này đã áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên theo tôi nếu áp dụng ở Việt Nam là không khả thi. Nếu bán nhà sở hữu có thời hạn thì không ai mua. Nếu đề xuất này được thực hiện thì 50 năm sau, nó cũng lại giống như tình trạng nhà của Nhà nước đã cho thuê trong thời gian qua. Nhà của Nhà nước nhưng Nhà nước cũng không thu hồi lại được để xây mới, nói gì đến nhà đã bán cho người dân, dù là bán có thời hạn.

Ông Phùng Văn Nghệ, Tổng cục Trưởng Cục Đất đai (Bộ TN&MT)  cho biết: "Việc này hiện tại còn đang phải bàn nên chưa thể đánh giá hết được mức độ khả thi của nó. Trên thế giới nhiều quốc gia đã làm như vậy, ngay Trung Quốc cũng quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ cho 60 - 70 năm thôi. Đây là một chính sách có mức độ ảnh hưởng lớn đến xã hội nên quan trọng là phải ngồi lại bàn với nhau để có một cái nhìn thấu đáo. Hiện tại, Bộ TN&MT cũng đã nhận được đề xuất xây nhà chung cư cũng cần có thời hạn. Nhưng từ việc đề xuất đến thực tế để đưa ra quyết định vẫn phải tính toán kĩ lưỡng chứ không phải đưa ra là xong. Chính sách đất đai là một vấn đề lớn và hết sức nhạy cảm, nhất là trong thời điểm này".

Cũng theo ông Nghệ, thực tế cũng có ý kiến lo ngại trước chính sách này đưa ra, người dân sẽ đổ xô mua nhà trước thời điểm quy định gây bất ổn cho thị trường, vì thế mỗi thông tin đưa ra đều cần xem xét kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Duy Thắng Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng)  cho biết: Đưa ra đề xuất này thực tế là học tập ở các nước bạn. Một công trình bao giờ cũng phải có thời hạn, không có cái gì là vĩnh cửu. Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch và xây dựng được đồng bộ hơn.

Cũng theo ông Thắng, khó khăn nhất của việc quy định chung cư có thời hạn là quyền sở hữu. Đất đai, nhà cửa cũng là một loại hàng hoá, hàng hoá có giá cả tương thích với giá trị của nó nên một căn hộ có quyền sở hữu trong vòng 50 năm sẽ có giá rẻ hơn một căn hộ có quyền sở hữu vĩnh viễn. Đây là hình thức gần với hình thức thuê mua nhà ở. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu của nhà chung cư có thời hạn thì phải đi kèm với rất nhiều quy định.

"Đây mới chỉ là những ý tưởng, đề xuất chưa được chính thức hoá và cần sự bàn thảo của rất nhiều ban ngành liên quan cũng như nhân dân và quyết định của Chính phủ cũng như Quốc hội. Trong pháp luật nên có những ý tưởng mới, để tạo điều kiện thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân tốt hơn. Quá trình hoàn thiện về hành lang pháp lý tới thời điểm này là tương đối đủ rồi, nhưng ngược lại sẽ không bao giờ là đủ bởi tốc độ phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn", ông Thắng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa – tổ 91 Yên Hoà - Cầu Giấy – Hà Nội: Người dân sẽ đi đâu, về đâu khi nhà chung cư sở hữu có thời hạn?

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng, theo tôi, phải căn cứ vào mong muốn của người dân. Thực tế không phải ai cũng có điều kiện để mua một căn nhà, vì thế khi mua được nhà thường luôn mong muốn nó sẽ thuộc sở hữu của mình vĩnh viễn, để lại cho con cháu sau này. Sẽ ra sao nếu tích cóp bao năm mới mua được một căn nhà, để 50 năm sau cả gia đình lại không biết mình sẽ đi đâu, về đâu.

Thêm vào đó, đề xuất của Bộ Xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà chung cư cũ, góp phần làm giảm giá nhà đất tôi cho rằng cũng không hẳn như vậy. Nhà B6 Giảng Võ đã được cấp sổ đỏ cho dân rồi, nhưng cũ nát, vẫn được chính quyền thành phố ra tay tìm chủ đầu tư xây dựng mới lại đấy thôi. Việc giá các căn hộ chung cư quá cao là do nạn đầu cơ. Mà nạn này còn tồn tại là do cơ chế chính sách quản lý chưa tốt, chứ chưa hẳn đưa nhà chung cư vào sử dụng có thời hạn đã kiềm chế được tình trạng này.     

(Theo Lao Động)

  • 0
  • By Admin
  • 28/01/2011
  • 17