Chủ đầu tư dự án thường “làm ngơ” với mảng xanh
Còn quá ít công trình xanh
Kiến trúc sư Nguyễn Thái Thuật Hiền, một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế mảng xanh cho biết, công trình xanh thường đội tổng vốn đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) lên đến 10 đến 29%.
Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư dự án thường có xu hướng cắt giảm mảng xanh và tăng diện tích sàn xây dựng để nâng cao phần lợi nhuận. Hiện nay, trong quy hoạch xây dựng tại Việt Nam vẫn còn chưa coi trọng những quy định buộc các dự án địa ốc phải dành bao nhiêu diện tích đất để phát triển các công trình xanh phục vụ dân cư.
Theo một nghiên cứu của Bộ Xây dựng, mức năng lượng tiêu thụ trong vòng 10 năm qua đã tăng với tốc độ tăng nhanh hơn GDP, cụ thể bình quân là 14% mỗi năm. Trong 10 năm qua, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12%.
Biểu đồ tỷ trọng tiêu thụ năng lượng theo ngành tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Xây dựng |
Trong những năm gần đây, trung bình tổng diện tích sàn nhà ở được xây dựng của Việt Nam đạt khoảng 80-90 triệu m2 mỗi năm. Cùng với đó, khu vực văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, khách sạn cũng có tốc độ gia tăng nhanh chóng cùng với tốc độ gia tăng các tòa nhà quy mô lớn và quy mô trung bình trong cả nước, nhất là ở các đô thị lớn.
Cũng theo Bộ Xây dựng, bên cạnh sự tăng trưởng về quy mô diện tích sàn và số lượng các tòa nhà thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể hàng năm. Đơn cử, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực dân dụng của Việt Nam năm 2003 chiếm 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia, còn ước tính năm 2014 vào khoảng 37 đến 38%.
Nguyên nhân khiến năng lượng tiêu thụ công trình tăng là do giá nhiên liệu tăng, đô thị hóa nhanh và nhu cầu tiện nghi tăng. Do đó, việc áp dụng các công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm năng lượng cho quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), số lượng công trình xanh ở Việt Nam hiện nay còn quá ít. Hiện chỉ có chừng 15 công trình xây dựng được cấp các chứng chỉ công trình xanh tiêu chuẩn quốc tế của Lotus, EDGE, LEED,...
Dần thay đổi nhận thức
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) của ngân hàng thế giới (WB) cho biết, hiện nay trên thế giới đã có 1 tỷ m2 công trình xanh có chứng nhận của các tổ chức uy tín. Cụ thể, có hơn 38 nghìn công trình nhà riêng và 36 nghìn dự án thương mại được cấp chứng nhận LEED (chứng chỉ được công nhận trên toàn cầu như là một chứng nhận cao cấp về công trình xanh tiết kiệm năng lượng).
Một số chuyên gia quy hoạch đô thị cũng cho rằng, hầu hết các nước ở Đông Á đang phải đối mặt với thách thức phát triển đô thị ồ ạt, trong đó, bao gồm cả những sức ép to lớn từ việc phải mở rộng những TP vượt quá khả năng về tài chính và môi trường của mình, bên cạnh đó thường thiếu những kế hoạch dài hạn. Hơn nữa, việc phát triển đô thị hiện nay thường đi theo hướng phát triển trong quá khứ, tức là khi một TP được xây dựng thì sẽ ít nhiều bị “khóa” những tiện ích cần thiết đối với cuộc sống.
Mới đây, khảo sát của IFC cũng cho thấy, do lợi ích bền vững của các công trình xanh cũng như nhận thức của khách hàng và các chủ đầu tư nên thị trường công trình xanh toàn cầu dự báo tăng trưởng ở mức 13% trong giai đoạn 2015-2010.
Biểu đồ dự báo tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam đến năm 2021. |
Kiến trúc sư Hiền cho biết, lợi ích của công trình xanh bao gồm tiết kiệm chi phí từ việc giảm tiêu thụ nước và năng lượng, giảm chi phí bảo dưỡng, vận hành và nâng cao sức khỏe của người sử dụng công trình, nâng cao năng suất lao động,... Các ngôi nhà xanh sẽ tiết kiệm cho gia chủ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ và thân thiện môi trường.
Giá trị thương mại của khái niệm "xanh" |
Như vậy, có thể thấy sự lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng đang dần thay đổi. Trên thực tế, một số ít khách hàng và chủ đầu tư đang sẵn sàng trả giá cao hơn cho các công trình xanh. Chẳng hạn như tập đoàn địa ốc Phúc Khang mới đây đã cho ra mắt dự án Diamond Lotus có diện tích 1,68ha, trong đó mật độ xây dựng chỉ có 19% còn lại đều dành để phát triển mảnh xanh.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết, tới đây Bộ Xây dựng sẽ có các chính sách khuyến khích và thúc đẩy, hoặc có thể bắt buộc doanh nghiệp triển khai công trình xanh. Đồng thời, tăng cường chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng…
- 0
- By Admin
- 21/09/2015
- 17