• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ đầu tư dự án sẽ bị "siết" bởi nhiều mức xử phạt hành chính

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD), sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở.

Cụ thể, vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này sẽ chịu các hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền. Dự thảo đưa ra mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm VLXD, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở là 300 triệu đồng.

Dự thảo cũng nêu rõ, mức phạt tiền theo đề xuất trên là mức phạt áp dụng đối với các tổ chức. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân sẽ bằng một nửa so với mức phạt tiền đối với tổ chức.

Đồng thời, đối tượng vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoặc đình chỉ hoạt động với thời hạn từ 3-24 tháng.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, bên cạnh bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính; buộc tiến hành những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; dừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật liệu, vật tư vào thi công xây dựng công trình vi phạm; buộc tháo dỡ phần công trình, công trình xây dựng vi phạm...

bất động sản
Chủ đầu tư vi phạm xây dựng có thể bị phạt 1 tỷ đồng

Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch, chậm so với tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt đều sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Kinh doanh BĐS mà BĐS đó không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định hoặc không bảo đảm đầy đủ những điều kiện theo quy định; kinh doanh BĐS không đúng hình thức (phạm vi) quy định; thực hiện xây dựng dự án kinh doanh BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cho thuê mua hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai mà chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực (nằm trong danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố) tiến hành bảo lãnh nghĩa vụ tài chính… sẽ bị phạt từ 120-150 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng cho hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên thuê mua, bên mua hoặc làm thủ tục chậm so với thời gian quy định (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác); hoặc không cung cấp giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan cho người thuê mua, mua nhà ở (trong trường hợp người thuê mua, mua nhà ở tự làm thủ tục)…

Phạt tiền tối đa 300 triệu đồng có thể được áp dụng đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có một trong những hành vi sau đây: Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án kinh doanh BĐS không đúng thủ tục quy định; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án kinh doanh BĐS mà không đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoặc yêu cầu theo quy định; bàn giao nhà ở, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thiện việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Hoặc bàn giao khi chưa đảm đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của toàn khu vực; hoặc bàn giao khi chưa hoàn thành toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà ở, công trình xây dựng thô); chiếm dụng hoặc huy động vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của cá nhân, tổ chức hoặc tiền ứng trước của bên thuê, bên mua, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng với mục đích cam kết.

  • 198
  • By Admin
  • 08/12/2015
  • 17