• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ cho dân sẽ không được tiếp tục giao dự án

Ngày 28/10 đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến giữa ngành tài nguyên và môi trường với doanh nghiệp và người dân. Tham gia buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, hiện nay phần nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ diễn ra chủ yếu ở các dự án nhà ở.

Ông Hiển cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng chậm cấp sổ đỏ cho người dân không phải lỗi của cơ quan tài nguyên và môi trường mà là lỗi của chủ đầu tư dự án. Vì thế, sắp tới, những chủ đầu tư nào chậm cấp sổ đỏ cho người mua sẽ bị công khai trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như website của UBND các cấp. Những chủ đầu tư vi phạm sẽ không được tiếp tục giao dự án nữa.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, việc cấp sổ đỏ cho người dân ở các dự án nhà ở tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp.HCM. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc người dân chậm được cấp sổ đỏ là sai phạm của chủ đầu tư. Có thể kể đến những lý do như chủ đầu tư không nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất, không thực hiện đúng thiết kế,...

Những vấn đề trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, theo đó, người mua nhà không có hành vi cơi nới, không gây ảnh hưởng đến các hộ khác,... và đã nộp tiền cho chủ đầu tư, hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ được xem xét cấp sổ đỏ.

Ông Hiển khẳng định: Nếu có bất kỳ trường hợp nào vòi vĩnh, nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ, người dân hoặc doanh nghiệp hãy phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND các cấp để xử lý kịp thời, tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh".

"phí bôi trơn" trong cấp sổ đỏ
Ông Nguyễn Mạnh Hiển trả lời phóng viên về "phí bôi trơn" trong cấp sổ đỏ

Trước đó, vào ngày 29/9, trong phiên trả lời chất vấn tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận tồn tại tình trạng nhũng nhiễu trong công tác cấp sổ đỏ tại các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã có chuyển biến tích cực, đồng thời cần tiếp tục kiểm tra để giảm tình trạng tiêu cực này.

Bộ trường Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công tác cấp sổ đỏ trên cả nước đã đạt 85%. Việc cấp sổ đỏ còn có tình trạng kéo dài, nhũng nhiễu là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có phần trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương. Tình hình tại các đô thị lại càng phức tạp, nhất là tại Hà Nội và Tp.HCM.

Khi cán bộ địa phương cũng hỏi về vấn đề cấp sổ đỏ

Trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp ngày 28/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được khá nhiều câu hỏi từ cán bộ ngành tài nguyên và môi trường ở các địa phương. Đa số các câu hỏi này đều liên quan đến các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn vừa mới được ban hành.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, có sự việc này là do hệ thống văn bản pháp luật về đất đai nhiều và khá mới. Buổi giao lưu này cũng chính là dịp để cán bộ địa chính các địa phương bày tỏ thắc mắc để Bộ giải đáp.

Ông Hiển cũng cho biết, có hơn 50% số câu hỏi gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trong buổi giao lưu là liên quan đến đất đai, xoay quanh hai chủ đề là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất. "Những câu hỏi về cấp sổ đỏ đều là thiếu hồ sơ giấy tờ hoặc đã có vi phạm trước đó", ông Hiển cho biết thêm.

Từ phía các doanh nghiệp, lĩnh vực được hỏi nhiều nhất chính là địa chất khoáng sản, cụ thể là vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, chính sách cấp quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới, ảnh hưởng sát sườn tới quyền lợi của các doanh nghiệp nên họ quan tâm là điều dễ lý giải. Chính sách này sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng tài nguyên bị thất thoát và cũng tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia. "Khi Nhà nước áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp tham gia sẽ phải chú ý hơn đến việc thăm dò trữ lượng, khai thác triệt để tài nguyên, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải", ông Thuấn phân tích.

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được nhiều người dân quan tâm và gửi câu hỏi đến các cơ quan chức năng trong buổi giao lưu trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, trong đợt giao lưu này, câu hỏi gửi đến Tổng cục Môi trường tập trung chủ yếu vào vấn đề ô nhiễm trong hoạt động khai thác khoáng sản, ô nhiễm trong hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về khoản tiền đóng ký quỹ phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản cũng như thủ tục và cơ quan có trách nhiệm quản lý quỹ này. Tuy nhiên, việc ký quỹ mới chỉ được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 chứ chưa có quy định hướng dẫn thi hành.

Đợt giao lưu diễn ra vào ngày 28/10 vừa qua là đợt giao lưu lần thứ 15 của Bộ Tài nguyên và Môi trường với doanh nghiệp và nười dân trong vòng 9 năm qua. Theo lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, giao lưu trực tuyến là một kênh tiếp nhận thông tin từ thực tế để Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy những vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng và áp dụng chính sách của ngành, từ đó Bộ có thể nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

  • 0
  • By Admin
  • 29/10/2014
  • 17