• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chủ đầu tư Saigon Pearl: Chỉ tắt máy bơm đến 90 căn hộ nợ phí

Chủ đầu tư dự án Saigon Pearl, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Land SSG, Võ Văn Bé cho biết: "Chúng tôi chỉ không cung cấp dịch vụ kết nối, tức là không bơm nước đến những hộ còn nợ phí. Đây là biện pháp chế tài đối với hộ dân không nộp phí bảo trì nhằm đảm bảo công bằng đối với những khách hàng chấp hành việc đóng phí".

Theo ông Bé, phí bảo trì không chỉ là chi phí phục vụ duy tu bảo dưỡng kết cấu của tòa nhà mà còn được dùng vào việc bảo trì tất cả các hệ thống máy móc, trong đó có máy bơm nước. Dịch vụ cung cấp nước vào tòa nhà được chia làm hai giai đoạn. Thứ nhất là cơ quan cung cấp nước dẫn nước đến tòa nhà. Thứ hai là chủ đầu tư vận hành máy bơm dẫn nước đến các căn hộ. "Tất nhiên chúng tôi không có quyền cắt nước vì đó là công việc của nhà cung cấp nước. Song chúng tôi có quyền không vận hành máy bơm vì đây là phần dịch vụ có liên quan đến phí bảo trì", ông Bé phân trần.

Tổng giám đốc Công ty Vietnam Land SSG nhấn mạnh, phí bảo trì là khoản phí được luật pháp quy định và được khách hàng, chủ đầu tư cùng thỏa thuận đóng phí trong hợp đồng. Tại chương VII, hợp đồng mua bán căn hộ có đề cập đến việc thanh toán các khoản phí này. Ngoài ra, vị này còn cho rằng, biện pháp chế tài của chủ đầu tư tuy không có trong các quy định của pháp luật nhưng đã được thỏa thuận trong hợp đồng và không bị cấm trong các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư. "Tuy chúng tôi chế tài bằng biện pháp không quy định trong luật nhưng điều này cũng không bị pháp luật cấm. Vì vậy, chủ đầu tư không hề làm điều gì trái luật", ông Bé nói.

Chủ đầu tư Saigon Pearl: Chỉ tắt máy bơm đến 90 căn hộ nợ phí | ảnh 1
Chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, các hộ dân bị cắt nước ở tòa tháp Ruby, dự án Saigon Pearl khẳng định không có chuyện cư dân quỵt phí bảo trì. Trên thực tế, mọi người đều phải nộp phí bảo trì mới được nhận nhà. "Chúng tôi chỉ chậm nộp phí bảo trì năm 2011 vì các khoản phí của tòa nhà chưa được công khai và kiểm toán độc lập", đại diện các hộ dân bị cắt nước cho hay.

Phó chủ tịch Hội luật gia Tp.HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích, hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng là giao dịch dân sự. Một trong bốn yếu tố cơ bản để hợp đồng có hiệu lực là các quy định, thỏa thuận trong đó phải phù hợp với pháp luật.

Điều 16 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 quy định, Ban Quản lý nhà chung cư không có quyền tự ý cắt nước của người sử dụng nhà chung cư. Theo tinh thần của điều luật này, quyền hạn của ban quản lý đã được xác định rõ. Vì vậy, hợp đồng có điều khoản chủ đầu tư được quyền tự ý cắt nước khi chủ hộ không đóng phí bảo trì là trái luật và sẽ bị vô hiệu.

Luật sư Hậu phân tích thêm, hành vi ngắt máy bơm của Ban quản lý đồng nghĩa với hành vi cắt nước vì hậu quả là nước không được dẫn tới các căn hộ. Việc này đã vi phạm điều khoản về trách nhiệm của ban quản lý. Do đó, các hộ dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu Ban quản lý chấm dứt hành vi vi phạm và buộc họ phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

Có kinh nghiệm quản lý nhiều chung cư trên địa bàn Tp.HCM, Giám đốc quản lý tòa nhà – Công ty TNHH Dịch vụ chăm sóc gia đình (Homecare) Vietnam, Nguyễn Ngọc Diệp nhận định: "Ngừng bơm nước hay cắt nước sinh hoạt vì nợ quỹ bảo trì là không hợp lý và thiếu thuyết phục".

Bà Diệp phân tích, bảo trì là việc sửa chữa duy tu bảo dưỡng nếu thiết bị hư hỏng không hoạt động được. Khi sửa chữa phải tuân thủ theo đúng qui định của Bộ Xây dựng. Trường hợp của các hộ dân tháp Ruby (Saigon Pearl), chủ đầu tư ngừng chạy máy bơm nước dù hệ thống này vẫn hoạt động tốt thì không liên quan đến việc thu quỹ bảo trì.

Vị này còn giải thích thêm, phí bảo trì là kinh phí do cư dân đóng góp và thuộc sở hữu của các hộ dân, chủ đầu tư chỉ có thể quản lý trong năm đầu tiên. Sang năm thứ hai phải thành lập Ban quản trị và bàn giao quĩ này cho đại diện cho cư dân quản lý theo nguyên tắc công khai tài chính.

Giám đốc quản lý tòa nhà Công ty Homecare cho rằng, một số cư dân cố tình không chịu đóng khoản phí này là phạm luật. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lý do tại sao cư dân không nộp phí.

(Theo VnExpress)

  • 0
  • By Admin
  • 14/02/2012
  • 17