• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chớp cơ hội lúc khó khăn: Nhà đất Hà Nội trong tầm ngắm

Chớp cơ hội lúc khó khăn: Nhà đất Hà Nội trong tầm ngắm

Kỳ II: Cơ hội lúc thị trường lạnh

Với những người trọng nghề, khó có thể "dò đáy", cũng như phán đoán khả năng bật trở lại của thị trường nhà đất. Theo khảo sát mới đây của Công ty Tư vấn bất động sản VietRees, có tới 70% số chuyên gia được hỏi, không xác định được thời điểm phục hồi của thị trường, vì thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của nền kinh tế. Chỉ có 12% ý kiến cho rằng, thị trường sẽ phục hồi vào năm 2009 và 18% sau năm 2009.

Sẽ khó cho giới đầu cơ có thể "lướt sóng" trong một thị trường chưa phục hồi ngay. Tuy nhiên, đối với những người có tiền nhàn rỗi, không phải vay ngân hàng, thì theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Century Group, bây giờ có thể là thời điểm để gia nhập thị trường, vì giá nhà đất ở một số dự án đã thực sự chạm đáy và khó có thể giảm sâu thêm. "Thị trường lạnh và giá giảm sẽ tạo điều kiện cho nhiều người hơn có thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, nếu không phải mua để ở, thì nhà đầu tư cần trường vốn vì thị trường khó có thể phục hồi ngay", ông Hưng nói.

Ông Phan Xuân Cần, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Tiger Invest, cho rằng, giao dịch nhà đất phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất ngân hàng. Sau khi các ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản và tăng lãi suất cho vay kể từ tháng 3/2008, từ đó đến nay, các giao dịch nhà đất giảm hẳn, do giới đầu cơ tháo lui khỏi thị trường. "Nhưng hiện nay, lãi suất đang trên đà giảm và có khả năng sẽ giảm tiếp để kích thích phát triển kinh tế. Khi lãi suất càng giảm, thì giá nhà đất sẽ ngày càng chững lại và chạm đáy. Khi đó, giao dịch sẽ dần dần ấm lên", ông Cần nhận định.

Mỗi nhà đầu tư có đánh giá khác nhau về thời điểm chạm đáy của thị trường, nhưng theo quan sát của ông Cần, nhiều nhà đầu tư sẽ ở tư thế "nằm phục" từ nay đến giữa năm sau và sẵn sàng "xuất tiền" khi họ nhận thấy giá ở một số dự án đã "rẻ hơn so với nhận định của họ và có khả năng tăng trở lại khi thị trường ấm lên". Theo ông Cần, những nhà đầu tư thuộc loại này nhìn nhận, thị trường "lạnh" là cơ hội "10 năm có một" để đầu tư, vì kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1997, giá nhà đất tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không giảm, mà chỉ có tăng và năm 2008 là năm đầu tiên chân lý "dù thị trường đóng băng, thì giá nhà đất chỉ chững lại chứ không giảm" bị phá vỡ.

Trong khi cầu nhà để ở, cũng như để đầu tư vẫn có, dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn cung, hàng hoá sẽ khan hiếm và giá cả dễ tăng trở lại. Việc triển khai các dự án bất động sản mất nhiều thời gian, nên nếu các dự án bị dừng lại nguồn cung lại càng hạn chế. Vì thế, vẫn có nhà đầu tư tranh thủ lúc giá vật liệu xây dựng và lãi suất ngân hàng giảm để tiếp tục triển khai dự án, thậm chí chuẩn bị bán hàng ngay trong thời điểm này. Những dự án điển hình là Starclass tại Hà Đông chuẩn bị giới thiệu 900 căn hộ, Khu đô thị Dương Nội sẽ đưa Khu A vào kinh doanh trong quý I/2009, dự án Indochina Plaza Ha noi bắt đầu cho đăng ký mua căn hộ.

Nếu xét theo cung - cầu, ông Hưng cho rằng, những dự án có sản phẩm đưa ra thị trường trong vòng 6 tháng -1 năm tới vẫn có thể thu hút được khách hàng. "Trong thời gian qua, do lãi suất ngân hàng tầng cao, giá vật liệu xây dựng biến động, rất nhiều dự án phải dừng lại hoặc giãn tiến độ. Nguồn cung nhà đất từ các dự án mới vì thế bị thắt lại. Trong lúc nhu cầu nhà đất ngày càng tăng, thì có thể nhận thấy sẽ thiếu cung trong thời gian tới. Vì thế, nếu có sản phẩm tốt thì vẫn có thể bán được", ông Hưng nhận định.

Ông Matthew Powell, Giám đốc bộ phận đại lý Hà Nội của Công ty Savills, cho rằng, suy thoái kinh tế sẽ vẫn tạo ra những rào cản trên thị trường bất động sản, nhưng thực tế, nhu cầu vốn cao, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ mạnh từ những người có mục đích sử dụng và những nhà đầu tư riêng lẻ giàu có. Bởi vì, cuối cùng thì các nhà đầu tư vẫn cần phải đầu tư, nhưng vào lĩnh vực nào. Vàng? Cổ phiếu? Hàng hoá? Ngoại tệ? "Trong những năm gần đây, nhà đầu tư thường chuyển tiền sang lĩnh vực bất động sản, nơi vốn có lịch sử ổn định hơn các thị trường khác trong những thời kỳ sóng gió tài chính", nhà tư vấn này nhận định.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Đỗ Việt, Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường cho rằng, bất động sản luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, khác với thời "đầu tư bầy đàn", tức là chỉ cần mua nhà đất và bán lại là có lãi ngay, thì từ bây giờ, người mua phải tính toán rất kỹ về nguồn tài chính, xem xét kỹ chủ đầu tư, chất lượng dự án và tiến độ xây dựng dự án trên thực tế, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của dự án trước khi quyết định đặt bút ký hợp đồng. Hầu hết dự án phát triển trong thời gian qua thường không tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. "Rất nhiều dự án có quy hoạch đơn giản, phân lô, chia nền với vài vườn hoa nho nhỏ, chỗ nào cũng quảng bá chung cư cao cấp nên vàng thau lẫn lộn. Khi thị trường lạnh thì vũ khí cạnh tranh duy nhất của các dự án này là phải hạ giá để thu hút khách hàng", ông Việt chia sẻ.

Theo ông Việt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng giao dịch ấm lên của mỗi dự án sẽ phụ thuộc vào chất lượng quy hoạch, tiến độ xây dựng của chủ đầu tư. Nếu nhà đầu tư có sản phẩm tốt và thực hiện đúng cam kết với khách hàng thì vẫn thu hút được khách hàng.

>Kỳ I: Thị trường của người mua

Theo Đầu Tư

  • 0
  • By Admin
  • 08/12/2008
  • 17