• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chồng có nên xây nhà trên đất của vợ?

Tôi và chồng tôi cưới nhau được 2 năm và đã có một đứa con. Hiện chúng tôi vẫn chưa có nhà riêng vẫn phải thuê phòng trọ để ở. Nay bố mẹ đẻ tôi có cho tôi một mảnh đất. Mảnh đất này bố mẹ tôi đã làm thủ tục tặng cho tôi chỉ đứng tên mình tôi. Đến nay chúng tôi đã dành được một khoản tiền tính cuối năm nay sẽ xây nhà.

Chồng tôi không chịu xây nhà vì cho rằng đất đó không phải của mình nên không chịu xây. Tôi có giải thích với chồng đứng tên ai mà chả được nếu như vẫn sống chung với nhau trọn đời.

Tôi xin hỏi nếu mà chúng tôi xây nhà trên mảnh đất đó trường hợp xấu xảy ra ly hôn thì số tài sản đó được tính như thế nào? Xin luật sư tư vấn để tôi có thể giải thích rõ cho chồng tôi hiểu để chúng tôi cùng thống nhất xây nhà?

Chồng có nên xây nhà trên đất của vợ? | ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Trong trường hợp anh chị xây nhà trên mảnh đất mà chị được bố mẹ chị tặng cho thì:

Căn nhà mà anh chị xây sẽ là tài sản chung của vợ chồng anh chị trong thời kỳ hôn nhân (khi ly hôn: về nguyên tắc căn nhà sẽ được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này). Cụ thể:

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung”. Như vây, khi vợ chồng chị xây nhà thì căn nhà đó là tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân nên sẽ là tài sản chung và thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (Theo Điều 27, 28 Luật Hôn nhân gia đình 2000).

Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây (Theo Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình 2000):

- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Mảnh đất là tài sản riêng của chị (không phải chia cho chồng chị), cụ thể như sau:

“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng”. Do mảnh đất là tài sản mà chị được cha, mẹ cho tặng riêng. Nên đó là tài sản riêng của chị. Chị có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của chị và chị có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của 2 vợ chồng (Theo Điều 32, 33 Luật Hôn nhân gia đình 2000)

Ls.Nguyễn Thành Công
Công ty Đông Phương Luật
(Theo Vietnamnet)

  • 212
  • By Admin
  • 14/05/2012
  • 17