• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chọn tư vấn nước ngoài có thương hiệu để quy hoạch HN

Tư vấn phải có thương hiệu và hiểu biết về Châu Á

Bộ Xây dựng đã gửi thư cho một số chuyên gia tư vấn quốc tế về việc thi tuyển quy hoạch Thủ đô. Bộ sẽ dựa vào tiêu chí nào để chọn ra được nhà tư vấn tốt nhất?

Chọn tư vấn nước ngoài có thương hiệu để quy hoạch HN
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính. Ảnh: VA
Tư vấn được chọn trước hết phải có thương hiệu, đã tham gia ít nhất một quy hoạch lớn của một vùng Thủ đô hoặc đã tham gia quy hoạch một thủ đô nào đó. Thứ hai, tư vấn phải có kinh nghiệm quốc tế lâu năm, phải có năng lực về tài chính tốt. Thứ ba, họ phải có đội ngũ cán bộ có năng lực và ít nhất phải có hiểu biết về châu Á.

Đó là những tiêu chí đưa ra, nhưng trước hết, anh phải là những người có tầm vóc, có tên tuổi. Sau đó, chúng tôi còn có cuộc thi, ngoài việc nộp bài, tư vấn còn phải làm cho chúng tôi một đĩa về tổ chức không gian Hà Nội, một ý tưởng về Hà Nội, sau đó chúng tôi xem xem ý tưởng có tốt không, rồi chọn vào vòng hai.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta quy hoạch chưa tốt, vậy nếu mở rộng thì chúng ta quản lý như thế nào?

Thực ra phải hiểu rằng công tác quy hoạch của chúng ta vừa rồi cũng đã làm bài bản, nhưng quá trình đô thị hoá phát triển nhanh, bộ phận công tác quản lý chưa theo kịp quá trình phát triển, kể cả về văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa được hoàn thiện, nên quy hoạch Hà Nội, về cái chung thì tốt, nhưng chúng ta chưa có đầy đủ những quy hoạch chi tiết để tạo sự quản lý cho phát triển.

Vì thế, Bộ Xây dựng làm quy hoạch vùng Thủ đô để gắn kết với các địa phương xung quanh. Lâu nay, chúng ta không làm được việc đó, mỗi tỉnh, mỗi địa phương cát cứ để làm, cho nên sự thống nhất, đồng bộ về hệ thống hạ tầng, thống nhất về việc quản lý đất đai, thống nhất về từng không gian phát triển và sự đồng bộ chung trong chiến lược về giao thông và kinh tế của cả nước không thể giải quyết được.

Vậy bây giờ lấy rộng ra thì quản lý thế nào? Trước hết phải có quy hoạch tốt, muốn nói gì thì nói Hà Nội phải có quy hoạch rất tốt. Mà muốn quy hoạch tốt thì phải tập trung đội ngũ chuyên gia giỏi của Việt Nam, các bộ, các ngành tập trung vào, nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta cũng phải mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm.

Không thiếu nguồn lực thực hiện quy hoạch

Chúng ta hiện đang rơi vào tình trạng điều chỉnh quy hoạch một cách thường xuyên. Vậy việc mở rộng Hà Nội về hướng Tây có phải là một điều chỉnh quy hoạch hay không và có rơi vào tình trạng tiếp tục điều chỉnh quy hoạch không khi quy hoạch chính là nền tảng cốt lõi nhất để xây dựng một đô thị?

Chọn tư vấn nước ngoài có thương hiệu để quy hoạch HN 1
Bản đồ định hướng phát triển không gian quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu của Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Bộ Xây dựng)
Năm 1998, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch Hà Nội, tầm nhìn lúc đó không phải là ngắn, nhưng phải nói rằng lúc đó chúng ta nhìn đất nước ở tầm đó thôi, chưa toàn cầu hoá, chưa vào WTO, cũng chưa biết là đất nước chúng ta phát triển ở tầm cao như thế. Cho nên mặc dù có quy hoạch tốt, nhưng so với tầm nhìn phát triển thì quy hoạch đó vẫn lạc hậu.

Thứ hai, với 921km2 thì Hà Nội vẫn quy hoạch trong khoảng đó thôi, không mở rộng ra được. Anh không thể quy hoạch vào đất người khác, trong khi đó Thủ đô là của cả nước, yêu cầu phát triển là vì quốc gia, mà Hà Nội không đáp ứng được.

Do đó, phải điều chỉnh cục bộ, lúc thì đưa trường đại học ra Tây Nam một chút, lúc thì đưa công nghiệp chạy ra Hồ Tây một chút, lúc thì lại đưa vùng này ra vùng kia, nước thì lấy từ sông Đà về, bãi rác không có, rồi điều kiện về nghĩa trang, môi sinh, môi trường v.v… hết sức khó khăn.

Bây giờ, chúng ta có điều kiện để mở rộng ra môi trường lớn thì phải mạnh dạn, có tầm nhìn để biết được rằng khu vực nào, từ chỗ nào làm cái gì cho phù hợp với chức năng chính trị của nó, nhưng quan trọng là phải gắn kết được giao thông.

Như vậy, với việc mở rộng Hà Nội, chúng ta chỉ làm một lần quy hoạch duy nhất này để tính toán cho bài toán phát triển Hà Nội một cách hài hoà.

Tuy nhiên, trong quá trình khi đã được duyệt rồi, tiếp tục làm, nhưng mà quy hoạch là gì? Là vẫn có sự điều chỉnh, khi xuất hiện những nhân tố mới thì chúng ta lại điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh lúc đó không như Hà Nội bây giờ trong một tấm áo hết sức chật chội. Rõ ràng, quy hoạch lần này sẽ giải quyết thoả đáng, hay nói cách khác là hoàn chỉnh nhất cho một thủ đô Hà Nội mới.

Việc quy hoạch Hà Nội mới với việc hiện nay ở tỉnh Hà Tây cũng có quy hoạch của họ về giao thông, về các dự án…. Vậy quy hoạch Hà Nội mở rộng có tránh khỏi tình trạng dự án đè lên dự án không, và Chính phủ có lường trước được không?

Chính phủ đã đề nghị các tỉnh dừng quy hoạch lại một thời gian, tuy ngắn, để rà soát lại tất cả các quy hoạch của các địa phương. Đây là định hướng ban đầu của Bộ Xây dựng nghiên cứu về việc mở rộng Thủ đô như thế thì có bao nhiêu trục đô thị, bao nhiêu tuyến đô thị, các khu chức năng như thế nào.

Như vậy, để đối chiếu cái này với cái các địa phương đang xử lý ngoài hiện trường xem cái nào phù hợp thì chúng tôi đồng ý xây dựng ngay, còn cái nào thực sự có vấn đề băn khoăn, chưa phù hợp với không gian, đang lẽ chỗ này phải làm công viên, làm đô thị ông ấy lại đặt ra làm một khu công nghiệp lớn thì chúng tôi sẽ dừng lại.

Ví dụ nhà máy xi măng Sài Sơn thì không cần phải nói, dứt khoát là phải chuyển ra sau khi có quy hoạch được duyệt. Không thể để một nhà máy trong Hà Nội mà bụi, bẩn như thế được. Ngay cả những khu công nghiệp nằm trên một đường đại lộ chính thì cũng phải chuyển đi hoặc chuyển mục đích sử dụng.

Khi làm quy hoạch, Bộ Xây dựng có tính toán nguồn lực để thực hiện quy hoạch không?

Nguồn lực để thực hiện quy hoạch rất nhiều, trước hết là nguồn lực từ các doanh nghiệp, trong dân. Trước hết, người ta thấy quy hoạch này có phù hợp với chức năng của người ta không, người ta làm có lợi hay không. Khi người ta nhìn thấy dự án có lãi thì đó là nguồn lực, bằng bất cứ giá nào người ta cũng vào để trước mắt người ta bỏ ra 10 triệu, sau này người ta thu về 3 – 4 chục triệu. Tất cả nhà đầu tư nào cũng thế.

Còn những công trình hạ tầng xã hội như nhà máy cấp thoát nước, công trình giao thông lớn, môi trường, cây xanh v.v… thì nhà nước có trách nhiệm.

Theo Vietnamnet

  • 269
  • By Admin
  • 26/04/2008
  • 17