• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chọn ly đá chanh hay lon nước ngọt?

Khi được hỏi về vấn đề này, trong vai trò nhà tư vấn và trực tiếp thi công, giám sát nhiều công trình, hầu hết các kiến trúc sư đều khẳng định: không có một chuẩn mực, một quy định, một nguyên tắc ràng buộc nào khi lựa chọn vật liệu, nhất là vật liệu hoàn thiện.

Mỗi sự lựa chọn đều mang đến một hiệu quả – hay hậu quả – khác nhau. Thậm chí nhiều công trình đoạt giải thưởng trong và ngoài nước thời gian gần đây của các kiến trúc sư N.V.T, T.A.Đ, V.T.N... đều không hề có sự xuất hiện của các vật liệu đắt tiền, cầu kỳ... mà trái lại, luôn có sự hiện diện của đa số vật liệu dân dã, dễ tìm, giá cả phù hợp và nhất là khả năng biểu lộ không gian, đáp ứng tốt công năng và tính thẩm mỹ xuyên suốt, nhất quán, đồng thời luôn biểu lộ cá tính riêng.
 

Các vật liệu thô mộc như đá sỏi, gạch trần khi dùng tại các không gian resort, nhà ở mang phong cách truyền thống sẽ thực sự khai thác hiệu quả, gần gũi với tự nhiên.


Hầu như không thể liệt kê ra điều gì nên và không nên trong quá trình chọn lựa vật liệu, nên bài viết chỉ kể lại vài mẩu chuyện nhỏ đã xảy ra trong đời sống xây dựng hàng ngày để bạn đọc tham khảo rút thêm một vài kinh nghiệm, còn cách làm cụ thể thì luôn khác nhau việc đánh giá đúng – sai ở đây tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người.

Toilet ra mặt tiền:

Một vị gia chủ tính tình kỹ lưỡng, cẩn thận. Ông luôn muốn nơi ăn chốn ở của mình lúc nào cũng sạch sẽ, láng bóng hoặc nếu có dơ chút ít thì cũng phải được lau chùi một cách dễ dàng. Trong một chuyến du lịch sang Trung Quốc, ông rất tâm đắc với cách làm sử dụng gạch men bóng láng để ốp mặt tiền nhà, ốp tường phòng khách… Thế là ông áp dụng ngay cho ngôi nhà của mình với một bộ sưu tập gạch men hoàn hảo đầy màu sắc. Chỗ nào ông sợ dơ bẩn thì cứ cho ốp gạch men hết để dễ dàng lau chùi mà còn... bóng loáng nữa chứ! Tuy nhiên, hôm tiệc tân gia khi hỏi thăm ý kiến bạn bè thì ông mới té ngửa vì có người nói nhà ông giống cái bệnh viện, thậm chí có người nói nhà ông giống như cái nhà vệ sinh công cộng quá!

Tình yêu với gỗ:

Một vị gia chủ khác rất tâm đắc với kiến trúc cổ điển phương Tây. Ông thuê hẳn một kiến trúc sư lớn tuổi có kinh nghiệm làm các căn nhà cổ điển Pháp hồi xưa để thiết kế nhà cho mình… Mọi việc diễn ra trôi chảy cho đến một hôm vị kiến trúc sư phát hiện ra rằng gia chủ đã tự ý đặt hàng cửa nhôm để thay cho cửa gỗ trong bản vẽ thiết kế ban đầu. Lý do vị gia chủ đưa ra để giải thích cho quyết định thay đổi mà không báo trước của mình là vì ông bị chinh phục bởi nghệ thuật quảng cáo của đơn vị sản xuất cửa nhôm. Họ nói rằng nhôm rẻ tiền hơn gỗ, nhẹ hơn gỗ, thi công nhanh chóng hơn gỗ, không bị mối mọt như gỗ và đặc biệt là bây giờ người ta có thể sản xuất cả loại nhôm giả vân gỗ nữa! Thế thì tiện lợi quá còn gì! Kiến trúc sư thì vẫn giữ vững quan điểm là cửa gỗ giá trị hơn cửa nhôm, phù hợp hơn với kiến trúc cổ điển của ngôi nhà với những chi tiết hoa văn công phu mà cửa nhôm không có được… Tuy nhiên, gia chủ đã dùng “quyền phủ quyết tối cao của chủ đầu tư” để thay gỗ bằng nhôm và cuối cùng do thuyết phục không được nên vị kiến trúc sư đã quyết định rút lui, không thể tư vấn tiếp cho chủ nhà trong giai đoạn thi công sau được nữa.

Thô nào cũng là thô:

Một doanh nhân thành đạt muốn chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng ẩm thực. Cô liền nhờ kiến trúc sư thiết kế một nhà hàng theo kiểu dân gian Việt Nam với tường gạch mái ngói chuối cau phất phơ. Việc thiết kế sơ phác đã hoàn chỉnh với sự hài lòng của đôi bên. Tuy nhiên đến phần triển khai chi tiết với bảng mô tả vật liệu sử dụng thì chủ đầu tư và nhà tư vấn thiết kế không thống nhất được ở khâu chọn gạch. Nhà thiết kế yêu cầu sử dụng loại gạch thẻ cũ được tái sử dụng từ những ngôi nhà xưa bị giải toả, các viên gạch này được lựa chọn kỹ càng từng viên một và khi xây xong sẽ để thô như vậy, không tô trát hoàn thiện nhằm tạo nên hơi thở dân gian Việt Nam cho nhà hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không tin tưởng vào độ bền chắc và tình trạng vệ sinh của những viên gạch cũ. Cô muốn toàn bộ tường phải được xây gạch mới và sau đó được tô trát và ốp lát nghiêm chỉnh bằng loại gạch trang trí kiểu “giả cổ, giả thô” được bày bán khắp nơi. Cuối cùng vì không muốn va chạm, nhà thiết kế cũng phải tuân thủ theo quyết định của chủ đầu tư, với câu chép miệng thở dài: thôi thì thô nào cũng là thô!

Kính thưa các loại kính:

Có một thời trên thị trường xây dựng trong nước bỗng nhiên rộ lên phong trào sử dụng kính phản quang ốp mặt tiền, có lẽ do mấy cao ốc mới xây dùng vật liệu này trông hoành tráng quá. Nhà nhỏ xíu cũng ốp kính, nhà trong hẻm hóc chẳng mở tiệm gì cũng ốp kính, nhà đang có bancông hóng mát bỗng nhiên cũng bao bọc kính xung quanh, thậm chí đến phần giếng trời để thông thoáng cho ngôi nhà cũng bị lấy kính che lại!

Đặc biệt hơn nữa là phong trào lúc bấy giờ bà con không thích kính trong suốt mà ngược lại thích kính phản quang với đủ các gam màu sặc sỡ vàng, nâu, xanh ngọc, xanh biển… Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó nhiều gia chủ đã buộc phải tháo bỏ phần kính mới ốp do ảnh hưởng của hiệu ứng lồng kính gây bức xạ nhiệt tạo nên sự nóng bức, mà không phải nhà nào cũng “có điều kiện” để dùng máy lạnh toàn phần như cao ốc. Mặc khác các tấm kính phản quang chất lượng kém đã mau chóng bị hoen ố, xuống màu loang lổ khá thảm hại! Việc sao chép một cách máy móc thường hay dẫn đến những câu chuyện “dở khóc dở cười” như vậy!
 

Vật liệu dù hiện đại đến đâu cũng cần đặt đúng nơi đúng chỗ, hợp công năng và chuẩn thẩm mỹ.


Câu chuyện đá chanh và lon nước ngọt:

Không ít người Việt Nam khi có dịp đi nước ngoài về thường hay ngạc nhiên thắc mắc tại sao một ly đá chanh hay nước cam vắt ở Việt Nam bị xem là thứ giải khát bình dân nhưng ở nước người ta lại bán giá đắt hơn một lon nước ngọt của hãng C hay P! Lý do là vì người nước ngoài rất tôn trọng và đánh giá cao yếu tố tự nhiên và công lao động. Nước chanh được làm từ trái chanh thật trong tự nhiên và pha chế nêm nếm tuỳ tay mỗi người. Trong khi đó nước uống đóng chai hay lon nói chung đều ít nhiều có sử dụng hoá chất và được chế biến bởi dây chuyền máy móc hiện đại, chưa uống đã biết mùi vị toàn cầu là thế nào rồi.

Trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và trang trí nội thất cũng vậy, các nước tiên tiến đã trải qua thời kỳ xài đồ công nghiệp hàng loạt đến mức nhàm chán, nên hiện nay chỗ nào cần vật liệu công nghiệp hàng loạt thì họ vẫn dùng, nhưng trong nhà ở riêng tư hoặc công trình nghỉ dưỡng thì họ đánh giá rất cao những vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, tranh tre, gốm... Họ cũng đánh giá cao những vật liệu hay hạng mục nào trong công trình được tạo nên bởi tay nghề lao động thủ công, sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ hơn, thông qua tính thủ công để có thể xác lập “đẳng cấp” của loại vật liệu mà ngôi nhà mình sử dụng. Hãy thử đi các khu resort hàng đầu hiện nay từ Bắc chí Nam, yếu tố thủ công (nhưng dĩ nhiên phải chuẩn, không được méo mó ọp ẹp kém cỏi) luôn là tiêu chí quan trọng để xếp hạng đánh giá khách sạn hay resort, nói nôm na là khách phải bỏ ra từ nhiều tiền đến rất nhiều tiền để hưởng thụ không gian hoang sơ, chất liệu tự nhiên và cảm giác thư giãn tốt nhất.

Qua những câu chuyện trên đây, mong mỏi của giới chuyên môn là gặp được gia chủ biết lắng nghe quan điểm của nhà thiết kế và tôn trọng ý kiến chuyên môn của họ. Dĩ nhiên như đã nói ở trên, không có một chuẩn mực nào bắt buộc gia chủ phải lựa chọn vật liệu này hay vật liệu kia. Đồng thời, bên cạnh yếu tố xây dựng, kiến trúc và nội thất cũng đòi hỏi yếu tố nghệ thuật, văn hoá hưởng thụ và thái độ với môi trường. Mà đã là nghệ thuật và văn hoá – xã hội thì luôn có biên độ dao động, cảm thụ khá rộng, thậm chí luôn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Thế cho nên chọn ly đá chanh hay lon nước ngọt, có lẽ người sử dụng phải căn cứ nhiều hơn vào nhu cầu của chính bản thân mình, bối cảnh mình đang sống và có những cân nhắc đa chiều để luôn là người tiêu dùng sáng suốt.


KTS Trần Phụng Tiên Phuông

  • 364
  • By Admin
  • 14/06/2013
  • 17