Chọn đất làm nhà theo phong thủy học
Phạm Lãi giúp Câu Tiễn phục quốc, trải bao tù đày, khổ nhục, nếm mật, nằm gai, cuối cùng đã đánh bại Phù Sai, rửa được cái nhục lớn ở núi Cối Kê. Nhưng, trong bữa tiệc lớn mừng chiến thắng, Câu Tiễn lại không vui. Nhìn vẻ mặt khó đăm đăm ấy, Phạm Lãi biết Câu Tiễn không muốn phân chia quyền lợi cho các đại thần. Lại nữa thấy tướng Câu Tiễn môi dài, mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công nên Phạm Lãi bỏ Câu Tiễn mà đi.
Phong thủy là một hệ thống lý luận đánh giá cảnh quan, tìm một địa điểm tốt lành cho công trình kiến trúc. |
Ông tổ của làng tôi đã chọn cho làng một thân đất cao ráo, mưa lớn không ngập úng, hạn lớn không khô kiệt, lại gần chợ, gần sông nên con cháu bao đời nay đều no đủ, sung túc.
Những ví dụ về chuyện chọn đất mà nên việc lớn xưa nay rất nhiều, không kể hết được. Song, để chọn được đất tốt, nhất định phải biết thuật phong thủy (khoa địa lý). Đây là một vấn đề kỳ diệu mà phức tạp, trong đó cái khoa học và sự nhảm nhí chỉ cách nhau có một sợi tóc.
Nói về thuật phong thủy, người Tầu đã có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Giữa cảnh phồn hoa đô hội, dòng người nườm nượp chảy trên đường phố, có một lão hành khất gầy như que củi, quần áo rách bươm, toàn thân run rẩy, đang rao bán quyển “Phương thức thần bí làm giàu”, một người qua đường hỏi:
- Đã có phương thức thần bí làm giàu trong ba ngày thì tội gì cụ đứng nhăn nhó trong gió rét như vậy. Cụ đừng bán cuốn bảo bối này đi mà trước hết nên làm no bụng mình đã.
- Người Tầu vốn thâm hậu. Họ viết ra cả một đống sách về khoa địa lý, nào là long mạch, sinh khí, nào là đất đế vương, đất quan lộc… Song, họ cũng đặt ra câu chuyện ngụ ngôn như tôi vừa dẫn ở trên để nhắc người đời sau rằng, khi nghiên cứu thuật phong thủy luôn phải biết phê phán, bởi các thầy địa lý vốn hay khoa trương, nói quá để hù dọa người đời.
- Nhưng, quả thật có thuật phong thủy và có môn học địa lý. Nếu Phạm Lãi không biết chọn đất Đào là nơi giao hội những con đường buôn bán lớn thì dù ông có tài buôn bán đến mấy cũng không thể giàu sang phú quý được.
Vậy, trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về thuật phong thủy trong việc làm nhà, tất nhiên là với tinh thần vừa kế thừa và có phê phán. Cũng cần nói ngay rằng, về trạch cát (đất, nhà) có dương trạch (đất ở, nhà ở cho người sống) và âm trạch (mồ mả cho người chết) song, trong loạt bài này, chúng tôi chỉ bàn về dương trạch.
Phong thủy là gì?
Từ cổ đại đến giờ đã có rất nhiều người định nghĩa về phong thủy. Đời hán có một đạo sĩ tên là Thanh Ô Tử soạn ra sách “Táng kinh”, hậu thế tôn ông là Tổ sư của nghề địa lý, lấy sách của ông làm kinh điển. Trong Táng kinh, Thanh Ô Tử viết: Phong thủy là việc xem tướng đất”. Từ Nguyên tiên sinh viết: “Phong thủy là khoa xem địa thế, phương hướng chọn đất nhà ở và đất phần mộ”.
Giáo sư Phan Cốc Tây, Trường Đại học Đông Nam Trung Quốc viết: “Phong thủy là môn học dùng để lựa chọn xử lý hoàn cảnh nơi ở cho người sống và lăng mộ cho người chết”.
Giáo sư Rosk Kowski, khoa địa lý Trường Đại học Niu Di-lân viết: “Phong thủy là một hệ thống lý luận đánh giá cảnh quan, tìm một địa điểm tốt lành cho công trình kiến trúc. Nó là nghệ thuật lựa chọn địa điểm và bố cục địa lý của người Trung Quốc bao đời truyền lại”.
Phong thủy, nếu nói nôm na là gió và nước. Gió là sự vận chuyển của khí mà trong gió có gió lành và gió độc (ác phong); trong khí có nguyên khí, sinh khí (chính khí) và khí độc (tà khí). Có người vừa mở cửa ra, gặp một cơn gió là bị ngất và cấm khẩu ngay, ta gọi là bị trúng gió (trúng ác phong). Ác phong do tà khí sinh ra. Nếu trong vùng chúng ta ở không có tà khí thì không có ác phong. Thuật phong thủy bày cách làm nhà để tránh tà khí, ác phong.
Lại nói thủy là nước. Dưới đất ta ở quanh chỗ ta làm nhà luôn có mạch nước vận chuyển. Trong nước có nước lành và nước độc. Nước ở khe rãnh vùng than Na Dương đỏ như máu. Trâu bò dầm vào nước ấy thì rụng móng. Người sống lâu ở đấy thì tổn thọ. Thuật phong thủy dạy chúng ta cách chọn địa điểm làm nhà để tránh mạch nước độc.
Nói chung, phong thủy là một hệ thống lý luận được khảo nghiệm nhiều đời qua thực tiễn, giúp ta cầu lành, tránh dữ, cầu may, tránh rủi. Cầu, tránh là nguyện vọng chính đáng của con người, không phải mê tín dị đoan.Nói thật rạch ròi ra thì phong thủy khác với thuật phong thủy.
Phong thủy là khách quan. thuật phong thủy là tác động của con người đối với thế giới khách quan. Phương diện này không phải một chốc mà thâu nắm hết được, “đường vạn dặm bắt đầu từ đôi chân”.
- 200
- By Admin
- 14/07/2014
- 17