• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cho vay kinh doanh bất động sản… đến Tết

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng vị đại diện này cho rằng, phần lớn nguồn vốn đầu tư, kinh doanh bất động sản là vốn vay từ ngân hàng. Nhưng hiện nay, hầu hết ngân hàng đã đạt tăng trưởng tín dụng ở ngưỡng 30% theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, cộng với lãi suất cho vay 21%/năm, trong khi lãi suất huy động vốn dao động ở mức 18%/năm, nếu tiếp tục cho vay thì ngân hàng sẽ không có lãi, đó là chưa kể rủi ro về tài sản bảo đảm là bất động sản đang giảm giá khá mạnh ở nhiều khu vực.

Căn cứ vào tình hình hiện tại, đối với nhà đầu tư "lướt sóng" bằng nguồn vốn vay ngân hàng, việc bán bất động sản để trả nợ vay gặp rất nhiều khó khăn. Còn ngân hàng lỡ cho vay cũng gặp khó khăn tương tự trong việc thu hồi vốn. Nguy cơ phải xử lý tài sản để thu hồi nợ rất cao. Việc phải xử lý nợ quá hạn mất nhiều thời và thủ tục siết nợ đối với tài sản thế chấp là bất động sản rất phức tạp. Rủi ro hơn nữa là chênh lệch giữa khoản vay đối với tài sản thế chấp là bất động sản không còn theo tỷ lệ ban đầu (70%, thậm chí có ngân hàng cho vay đến 90%/giá trị tài sản bảo đảm) vì giá nhà sụt giảm mạnh.

"Phải đến đầu năm 2009 sau khi kết thúc năm tài chính 2008, các ngân hàng mới có thể khởi động lại việc cho vay các dự án bất động sản", lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết.

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc thực hiện các dự án bất động sản nhằm tăng cung hàng hóa cho thị trường, nhất là nhà ở đô thị, văn phòng, công trình dịch vụ... Trong khi đó, một số ngân hàng cũng có ý kiến cần xem xét một cách thấu đáo về chính sách cho vay kinh doanh bất động sản, tránh việc thiếu hàng về dài hạn và ngăn chặn sự thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia tài chính và doanh nghiệp  kinh doanh bất động sản, việc "phong tỏa" các khoản cho vay đầu tư bất động sản kéo dài sẽ không có lợi cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Trao đổi với báo giới gần đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, cần xem lại chính sách tín dụng bất động sản. Hiện nay, nhà thu nhập thấp, khách sạn, văn phòng cao cấp đang có nhu cầu rất cao. Mức cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 135.000 tỷ đồng không phải là quá lớn, nhưng vấn đề là cách thức quản lý.

Theo ông Hà, điều quan trọng lúc này là cần có một giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển. Nếu không, trong 3 - 5 năm nữa, thị trường sẽ rơi vào trì trệ và người hưởng lợi lại là doanh nghiệp nước ngoài nhiều vốn.

Ông Simon Craig, Giám đốc đầu tư bất động sản, Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam cho biết, giá bán căn hộ đã giảm khá sâu nhưng giá cho thuê căn hộ vẫn tăng, vì thế nhiều doanh nghiệp đã chọn cách thuê căn hộ, chuyển thành văn phòng. Theo ông Simon Craig, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam trong thời điểm này vì hy vọng, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện thì họ sẽ thu được khoản lợi nhuận nhất định…

Trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng cho biết, mặc dù có khá nhiều rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản, nhưng đây vẫn là mảng tín dụng quan trọng trong cơ cấu các khoản vay của ngân hàng nên một số nhà băng tiếp tục triển khai các sản phẩm cho vay kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro trước bối cảnh thị trường nhà đất khá bất ổn như hiện nay, nhiều ngân hàng đã hết sức khôn khéo để sàng lọc thật kỹ các dự án và theo dõi chặt sự biến động trên thị trường nhà đất, nhất là các khu vực có biến động lớn về giá để lên kế hoạch cho vay với hạn mức thích hợp.

Theo đại diện một ngân hàng TMCP, nhà băng này vẫn cung cấp khoản vay đầu tư bất động sản và đang xúc tiến liên kết với các chủ đầu tư có uy tín, đảm bảo cho việc phát triển dự án. "Chúng tôi đang hoàn thiện và sẽ công bố các sản phẩm cho vay nhà đất mới để đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau tại thời điểm thích hợp", vị đại diện này cho biết.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

  • 224
  • By Admin
  • 05/08/2008
  • 17