Cho vay BĐS: Hệ số rủi ro được giảm xuống mức thấp nhất
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 36 đã kế thừa quy định những điểm tích cực của Thông tư 15/2009/TT-NHNN, Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 13; bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định đáp ứng yêu cầu quản lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình tái cơ cấu và phát triển bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thông tư đã quy định việc xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định, vốn được cấp và việc xử lý đối với các trường hợp khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính... Đồng thời, bổ sung quy định về vốn tự có và tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng...
Điểm đặc biệt nhất, theo quy định của Thông tư mới, đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS) và chứng khoán, hệ số rủi ro được điều chỉnh từ 250% tại Thông tư 13 giảm xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ) để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS, chứng khoán phát triển.
Ngoài ra, Thông tư hoàn thiện quy định tỷ lệ khả năng chi trả về những tài sản có tính thanh khoản cao và bổ sung quy định về tỷ lệ dự trữ thanh khoản. Theo đó, tỷ lệ quy định cụ thể đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, phù hợp với tính chất, phạm vi hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng.
Theo thông tư mới, hệ số rủi ro cho vay BĐS được điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất (Ảnh minh họa, ảnh: Thúy Hà) |
Thông tư bổ sung tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được dùng để cho vay dài hạn, trung hạn được quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, phù hợp với tính chất, phạm vi hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, an toàn thanh khoản gắn với lành mạnh.
Đồng thời, bổ sung quy định tỷ lệ đối với việc đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ của từng loại hình tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu đầu tư giấy tờ có tính thanh khoản cao, đảm bảo an toàn thanh khoản, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo an ninh tiền tệ...
Bổ sung một số quy định về giới hạn, điều kiện mua cổ phần, góp vốn giữa các công ty con, công ty kiểm soát, công ty liên kết của công ty tài chính, ngân hàng thương mại; việc ngân hàng thương mại mua và nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác nhằm kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định đối với việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu so với vốn điều lệ, vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng để hạn chế rủi ro cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng và góp phần cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, ổn định.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi nhằm hỗ trợ bảo đảm khả năng chi trả, an toàn thanh khoản của tổ chức tín dụng. Cũng như tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay dài hạn, trung hạn, tỷ lệ này được quy định phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng, tạo điều cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Mục đích cửa việc ban hành Thông tư số 36 là hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và tạo cơ sở pháp lý thực hiện thành công mục tiêu, giải pháp xử lý nợ xấu, tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ ngày 1/2/2015, Thông tư chính thức có hiệu lực.
- 405
- By Admin
- 22/11/2014
- 17