Cho người nước ngoài thuê nhà cần làm những thủ tục gì?
Trả lời:Điều kiện nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê
Điều kiện nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam được quy định tại các Điều 131, 132, 133 Luật Nhà ở như sau:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép vào Việt Nam có thời hạn từ 3 tháng liên tục trở lên và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê nhà ở tại Việt Nam.
Nhà ở tại Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê phải có đủ các điều kiện sau:
- Đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Phải là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ khép kín;
- Bảo đảm chất lượng, an toàn cho người thuê;
- Bảo đảm cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường và các điều kiện thiết yếu khác;
- Không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Theo quy định tại Điều 92 Luật Nhà ở, bên cho thuê phải có các điều kiện sau: Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự; Là cá nhân có năng lực hành vi dân sự; là tổ chức cho thuê nhà ở phải có chức năng kinh doanh cho thuê nhà ở.
Bên thuê là cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc diện được sở hữu, được thuê nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở; Bên thuê là tổ chức thì không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh.
Thủ tục giao dịch cho thuê nhà ở
Thủ tục giao dịch cho thuê nhà ở được quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở như sau: Các bên trực tiếp hoặc thông qua người đại diện thoả thuận về hợp đồng. Hợp đồng phải thể hiện các nội dung: Tên và địa chỉ của các bên; Mô tả đặc điểm của nhà ở; Giá thuê và phương thức thanh toán; Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Cam kết của các bên; Các thỏa thuận khác; Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; Chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).
Ảnh minh họa |
Hợp đồng thuê nhà ở phải có chứng nhận của công chứng trừ các trường hợp sau: Cá nhân cho thuê nhà ở dưới 6 tháng; Bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở;
Trường hợp ông Đinh Văn Tuấn, ở Hà Nội, có một ngôi nhà dự kiến cho người nước ngoài thuê để mở văn phòng công ty và ở. Bước đầu tiên, ông Tuấn cần đến UBND quận, huyện đăng ký hộ kinh doanh cá thể kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở, trong đó có ngành nghề kinh doanh cho thuê nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Nhà cho thuê phải đáp ứng các điều kiện như: Có địa chỉ cụ thể, nằm ngoài khu vực an ninh, quốc phòng; riêng biệt (không cùng chung căn hộ hoặc cùng chung cửa đi với căn hộ khác); An toàn về cấu trúc, xây dựng; không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng; nhà cho thuê phải có xác nhận của cơ quan công an về việc đủ điều kiện an ninh trật tự, đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Việc thuê và cho thuê phải được lập thành hợp đồng; hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải công chứng hợp đồng tại Phòng công chứng nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê.
Sau khi ký kết hợp đồng cho thuê nhà, chủ nhà phải làm thủ tục khai báo tạm trú cho người thuê nhà tại cơ quan Công an: Xuất trình hộ chiếu, tờ khai xuất nhập cảnh, chứng nhận tạm trú và thị thực (nếu thuộc diện có thị thực); khai vào bản khai tạm trú theo mẫu; lập danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú và nộp tại Công an xã phường; lưu giữ phiếu khai báo tạm trú cùng danh sách người nước ngoài tạm trú để xuất trình khi có yêu cầu.
Thực tiễn cho thấy, khi cho thuê nhà ở đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chủ sở hữu nhà ở cho thuê đã phải thực hiện các thủ tục sau:
Đến UBND quận để Đăng ký kinh doanh hộ cá thể cho thuê nhà, hồ sơ gồm: Tờ khai đăng ký hộ kinh doanh cá thể (theo mẫu); bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; bản sao Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân.
Đến Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, hồ sơ gồm: Bản sao Giấy Đăng ký kinh doanh hộ cá thể, bản sao Chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu; Sơ đồ chi tiết mặt bằng của ngôi nhà.
Đến Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để làm bản cam kết an ninh trật tự, hồ sơ gồm: Bản cam kết an ninh - trật tự, bản khai lý lịch (có xác nhận của địa phương); danh sách người làm tại nhà cho thuê. Giấy Đăng ký kinh doanh hộ cá thể cho thuê nhà; Biên bản kiểm tra xác nhận về PCCC của cơ quan công an; Bản sao chi tiết sơ đồ mặt bằng của ngôi nhà.
Đến Phòng Công chứng nhà nước hoặc Văn phòng Công chứng tại địa phương nơi có nhà cho thuê để công chứng hợp đồng cho thuê nhà ở (nếu hợp đồng từ 6 tháng trở lên).
Đến công an phường để đăng ký tạm trú, hồ sơ gồm: bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; bản sao Sổ hộ khẩu; bản sao thị thực nhập cảnh, giấy phép lưu trú có thời hạn, hộ chiếu của người thuê; hợp đồng cho thuê nhà ở (bản chính).
Đến Chi cục thuế quận, huyện để kê khai mã số thuế, kê khai thuế, đóng nộp thuế, hồ sơ gồm: Bản sao chứng minh nhân dân của chủ sở hữu nhà và người được uỷ quyền (nếu có); Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể cho thuê nhà, hợp đồng cho thuê (bản chính để đối chiếu).
Ông Tuấn cần lưu ý, người đi làm các thủ tục phải là người đứng tên sở hữu của ngôi nhà và là người ký tên trong hợp đồng cho thuê. Trong trường hợp người khác làm thay, phải có giấy uỷ quyền.
Theo lộ trình cải cách các thủ tục hành chính, sắp tới một số thủ tục nêu trên sẽ được xem xét cắt, giảm, hoặc quy về một đầu mối (một cửa) tiếp nhận giải quyết.
Ls Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng
(Theo Chinhphu.vn)
- 162
- By Admin
- 04/04/2012
- 17