Theo ông Nam, nguyên nhân chính là do nhu cầu của người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam so với nhu cầu của thị trường hoàn toàn không lớn...
Thưa ông, quyền của DN đầu tư nước ngoài được mua nhà ở theo Nghị quyết khác gì với quyền của DN nước ngoài đang kinh doanh BĐS tại Việt Nam?
Một quyền cơ bản khác nhau giữa DN nước ngoài kinh doanh BĐS tại Việt Nam với các DN nước ngoài đầu tư các lĩnh vực khác được mua nhà ở theo Nghị quyết là DN kinh doanh BĐS thì được kinh doanh nhưng không được quyền sở hữu, còn DN được mua theo Nghị quyết thì được sở hữu, được ở nhưng không được quyền kinh doanh.
Tất nhiên, các DN nước ngoài kinh doanh BĐS cũng được cấp giấy chứng nhận sở hữu, nhưng sở hữu ở đây là dùng để bán hoặc cho thuê. Sở hữu nhà theo giấp phép đầu tư, nếu hết hạn giấy phép đầu tư mà DN chưa bán thì sẽ bị thu lại. Điều này đã được quy định trong Luật Nhà ở.
Lý do nào để chúng ta đưa ra nhiều hạn chế đối với cá nhân, DN nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam như Nghị quyết, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
|
Trước tiên phải nói rằng ngay tên của Nghị quyết đã nói lên điều này. Nghị quyết thí điểm cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nghị quyết đã đưa ra nhiều hạn chế.
Đối với cá nhân nước ngoài thì chỉ được sở hữu 1 căn hộ trong cùng một thời điểm cư trú tại Việt Nam. Thời hạn sở hữu căn hộ tối đa là 50 năm và chủ sở hữu chỉ được sử dụng để ở, không được cho thuê và dùng vào các mục đích khác.
Cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được quyền mua căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại... Nghị quyết có hiệu lực trong 5 năm.
Khi xây dựng Nghị quyết, chúng tôi cũng đã nghiên cứu nhiều mô hình tại các quốc gia và cuối cùng đã đưa ra một số hạn chế nhất định vì đây là lần đầu tiên chúng ta cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.
Việt Nam lại là một trong số ít các nước sở hữu đất đai là của toàn dân. Để tránh những hậu quả pháp lý phức tạp có thể xảy ra, chúng ta chỉ đồng ý cho người nước ngoài sở hữu nhà ở chung cư không liên quan đến đất.
Vậy ông đánh giá thế nào về việc tác động của Nghị quyết đến thị trường BĐS đang ảm đạm hiện nay?
Trước tiên phải nói tới từ thế nào là "ảm đạm"? Tính đến nay chưa có một tiêu chí nào để đánh giá thế nào là thị trường nóng, nguội, ảm đạm hay đóng băng. Để có một công cụ "cặp nhiệt độ" cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang soạn thảo một hệ thống tiêu chí đánh giá "nhiệt độ" của thị trường BĐS.
Thị trường BĐS của chúng ta hiện nay nói là "ảm đạm" là chưa chính xác. Thời điểm này thị trường đang kém sôi động hơn 2 - 3 tháng trước, nhưng đây là mong muốn của Chính phủ. Chính phủ mong muốn thị trường tăng trưởng ổn định và hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Thực tế, chênh lệch cung cầu của thị trường BĐS vẫn rất lớn. Cầu luôn lớn hơn cung. Năng lực của các DN kinh doanh BĐS của chúng ta còn thấp, chưa kiểm soát được thị trường.
Việc ban hành Nghị quyết chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thị trường nhưng không nhiều. Mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam được dễ chịu hơn. Chi phí sinh hoạt được giảm đi vì không phải thuê nhà với giá cao.
Còn nhu cầu của người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam so với nhu cầu của thị trường hoàn toàn không lớn. Hiện có khoảng trên 80.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 10.000 người có đủ tiêu chuẩn để mua nhà. Nhu cầu mua nhà ở của những người đủ tiêu chuẩn chắc chắn còn thấp hơn nữa và đâu phải ngay năm nay mà còn có thể là những năm sau nữa họ mới mua.
Trong khi mỗi năm, chúng ta tạo thêm được 27 - 30 triệu m2 nhà ở với khoảng 8 - 9 triệu m2 nhà chung cư.
Hơn nữa, người nước ngoài phần lớn mua nhà chung cư cao cấp, mà nguồn cung của chung cư cao cấp đang rất tốt. Từ những lý do này có thể cho thấy, cầu của đối tượng mua nhà theo Nghị quyết khó có thể chồng lấn và ảnh hưởng lớn đến thị trường nói chung.
Một điều đáng lưu ý nữa là trong dài hạn chúng ta luôn có xu hướng kích cầu cho thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Theo DĐDN