Chợ Hà Nội: Xây lên rồi...để đấy
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: “Nếu theo quy hoạch chợ vẫn còn thì phải duy trì bằng được. Nếu có cái chưa đúng thì điều chỉnh cho hợp lý giữa mong muốn của nhà đầu tư và nhu cầu của người dân”.Không người bán, chẳng người mua
Chợ đầu mối Minh Khai (Từ Liêm) rộng 41.500 m2, trong đó gồm khu chợ 1 tầng, bãi đỗ xe; nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và trung tâm thương mại. Chợ Minh Khai là đầu mối thu mua nông sản, thực phẩm cho khu vực phía Tây thành phố, với vốn đầu tư 27 tỷ đồng.Năm 2008, chợ đi vào hoạt động nhưng số lượng tiểu thương vào đây buôn bán không nhiều. Vào trong chợ, các ki ốt đóng kín mít. Một số ki ốt dán giấy cho thuê. Không gian chợ vắng tanh. Mặc dù ban quản lý chợ không thu tiền thuê chỗ ngồi cho tiểu thương từ 4 - 6 tháng, miễn phí điện nước, trông xe cho bà con nhưng cũng không thu hút được tiểu thương đến kinh doanh. Đến nay, mục đích chính là chợ đầu mối không thành khi không có khách. Đáng nói là hệ thống cơ sở vật chất bị nắng mưa làm hoen gỉ và xuống cấp. Hàng chục tỷ đồng đầu tư chợ Minh Khai coi như đã bỏ đi. Trong khi đó, cách chợ chừng 4 km, hàng nghìn hộ kinh doanh tập trung thành chợ đầu mối tạm trên lòng đường Lê Đức Thọ, Cầu Giấy để buôn bán.
Chợ Ninh Hiệp không một bóng người. Ảnh: P.Trà. |
Cũng được đầu tư khang trang, sạch đẹp với các ki ốt, gian hàng rộng rãi và thiết kế khá hiện đại, nhưng trung tâm thương mại Baza (Ninh Hiệp, Gia Lâm) đang rơi vào tình trạng không người bán, không người mua. Những ki ốt đóng cửa kín mít. Nhiều ki ốt đã được gắn biển quảng cáo nhưng không thấy có người bán hàng. Thậm chí nơi đây trở thành nơi để xe, phơi đồ của những người dân sống xung quanh.
Đầu tư hiện đại hơn, khang trang hơn là chợ Cửa Nam và chợ Hàng Da. Thế nhưng hiện tình hình ở đây cũng không khả quan. Trung tâm thương mại Chợ Hàng Da sau khi được sửa chữa, nâng cấp trở nên đìu hiu. Tầng 1 tập trung bán quần áo và rượu với các mặt hàng từ bình dân cho tới cao cấp, song khách thưa thớt. Một số ki ốt cho thuê, một số ki ốt đóng cửa nghỉ bán hàng. Một tiểu thương bán hàng tại Trung tâm thương mại chợ Hàng Da, giãi bày: Từ khi chợ Hàng Da được sửa chữa, khách đến mua hàng ít hẳn. Nhiều chị em đã cho thuê ki ốt để đi làm ăn chỗ khác. Có nhiều người đi bán ngày được, ngày mất. Có thể do việc gửi xe mất tiền, rồi đi lại không thuận tiện như trước nên người dân ngại đến đây mua hàng.
Vẫn xây thêm
Hàng loạt các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô sau khi cải tạo, xây dựng đã rơi vào tình trạng bỏ hoang, lãng phí. Chợ Ô Chợ Dừa (Q. Đống Đa) bị biến thành quán karaoke; chợ Cửa Nam cho ngân hàng thuê 50 năm; chợ Minh Khai không một bóng tiểu thương…Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thừa nhận diện tích sàn trung tâm thương mại cải tạo từ chợ còn bỏ trống khoảng 40%, không kéo được người vào kinh doanh. Trung tâm thương mại Vincom có những mặt bằng khuyến mại đến mức chỉ cần trả tiền dịch vụ là vào bán, vậy mà vẫn chưa lấp đầy chỗ.
Cũng theo ông Thăng, việc cải tạo ba chợ truyền thống thành trung tâm thương mại do doanh nghiệp đầu tư, là những bài học đắt giá. Nguyên nhân là do khi đầu tư, nhà đầu tư không tính toán được hết nên khả năng không hình thành được chợ, các tiểu thương không thuê mặt bằng. Vì vậy, chủ đầu tư đành chuyển mặt hàng kinh doanh khác. Đây là một tồn tại trong quá trình cải tạo chợ.
Thế nhưng vừa qua, Hà Nội lại kêu gọi đầu tư cho 5 dự án trung tâm thương mại. Đó là các dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp (tổng mức đầu tư dự kiến 199,9 tỷ đồng), Trung tâm bán buôn, bán lẻ hải sản - Khu thương mại và ẩm thực (tổng mức đầu tư dự kiến 346,13 tỷ đồng), Chợ dân sinh Lệ Chi (tổng mức đầu tư dự kiến 45 tỷ đồng) và Chợ Đồng Tâm (tổng mức đầu tư dự kiến 73,3 tỷ đồng).
(Theo Đất Việt)
- 122
- By Admin
- 21/08/2012
- 17