• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

“Chợ 19/12” và minh bạch

“Chợ 19/12” và minh bạch
Chợ 19/12 cũ, nay đã được giải phóng mặt bằng, các hộ kinh doanh chuyển ra chợ tạm Phùng Hưng từ tháng 11/2008 - Ảnh: VNN.
 
 
Tại địa phương khác, Khánh Hoà, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tìm địa điểm mới để xây dựng nhà máy thép Posco thay vì tại vịnh Vân Phong, nơi các nhà chuyên môn lo sợ là sẽ gây ô nhiễm.

Cả hai thay đổi trên đây đều nhận được nhiều ngợi khen, đặc biệt, vì được đưa ra sau khi có rất nhiều phản biện từ các nhà chuyên môn và từ dân chúng.

Đây là những quyết định khó khăn bởi, với những dự án lớn dính dáng đến đất đai, “thủ tục” mà các nhà đầu tư phải kinh qua liên quan đến không ít cá nhân và vô cùng phức tạp.

Dự án xây dựng trung tâm thương mại trên nền khu chợ 19/12 được âm thầm chuẩn bị bốn năm trước. Chủ đầu tư, Công ty Thủ Đô 2, được giao đất và chuẩn bị “khởi công” thì có thư của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, yêu cầu xem xét lại cả về mức độ ảnh hưởng tới giao thông, cũng như văn hoá và tâm linh.

Nơi đây, đã có nhiều người ngã xuống trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Nơi đây, còn có cả hương hồn của không biết bao nhiêu người đã chết trong trận đói Ất Dậu, 1945.

Thoạt đầu, ý kiến ông Dương Trung Quốc chỉ được Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo coi như một “gợi ý”. Tuy nhiên, tiếp theo đó là “dư luận của báo chí và nhân dân”, nên “thành phố đã phải thận trọng”, theo  lời của phó chánh văn phòng uỷ ban Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thịnh.

Sự thận trọng mà ông Thịnh nói đến được chính ông diễn giải trên báo Tiền Phong: “Thành phố sẽ xin ý kiến rộng rãi, đồng thời có thể tổ chức hội thảo khoa học để các nhà văn hoá, nhà quy hoạch, kiến trúc, những người tâm huyết với thủ đô đóng góp ý kiến”.

Quy trình thu thập các luận cứ phản biện mà ông Thịnh công bố là cần thiết, vấn đề là tại sao nó lại không được tiến hành cách đây bốn năm. Giám đốc công ty Thủ Đô 2, ông Nguyễn Anh Cường, nói trên Tiền Phong: “Trong bốn năm, chúng tôi chuẩn bị dự án, không ai nói đây là một di tích lịch sử, không ai nói đây là một con đường. Thành phố (Hà Nội) không khẳng định gì cả”, thậm chí, “Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố cũng có văn bản cho phép”.

Không thể trách nhà sử học Dương Trung Quốc. Có thể đến khi dự án khởi công, ông mới có thông tin. Chính nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân cũng cho biết là cơ quan này đã không hề được hỏi đến.

Dự án 19/12 không phải là bài học mới. Câu chuyện khách sạn Hà Nội Vàng lẽ ra phải được chính quyền thủ đô thừa kế như một phần học phí đã được trả trước đây.

Năm 1991, giấy phép đầu tư xây dựng một khách sạn 10 tầng, gọi là Hà Nội Vàng, ở số 8 Lý Thái Tổ, được cấp cho liên doanh Hanesco và một công ty Hong Kong. Công trình vừa khởi công (1994), thì gặp phải phản ứng của các nhà chuyên môn do Hà Nội Vàng, một công trình sát bên hồ Gươm, được cấp phép xây cao hơn 11m so với các công trình lân cận.

Hà Nội Vàng đã không bao giờ xuất hiện, công trình này đã phải cải tạo và chỉ được đưa vào sử dụng hơn một thập kỷ sau.

Chỉ vì thiếu công khai trong quá trình cấp phép đầu tư, mà sự mất mát, ở cả hai công trình, là khó lòng tính được: về uy tín do phải “bội tín” với nhà đầu tư; về tiền bạc, phần hạch toán được và phần không hạch toán được, cho những người tham gia dự án.

Tương tự, không phải đợi đến năm 2008, vấn đề gìn giữ vịnh Vân Phong như một di sản thiên nhiên mới được đặt ra. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phát biểu trên Tuổi Trẻ hồi tháng 3/2008 nói rằng, từ năm 1993 – 1994 sau khi đích thân khảo sát Vân Phong, ông và Chính phủ đã quyết định dành Vân Phong cho du lịch thay vì công nghiệp.

Nếu tỉnh Khánh Hoà thừa kế tư duy đúng đắn ấy của Chính phủ thời ông Kiệt, thì không những Posco đã không mất thời gian cho vịnh Vân Phong, mà các dự án du lịch khác đã có thời gian để khảo sát cho những đầu tư thích hợp.

Xây dựng những công trình lớn, đặc biệt là ở thành phố “nghìn năm văn vật”, chắc chắn là sẽ luôn có nhiều ý kiến. Những ý kiến không chỉ nhắm vào các khía cạnh văn hoá hay lịch sử, mà còn giúp phát hiện lai lịch của các nhà đầu tư, và đề xuất các phương án mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Xây dựng một quy trình hình thành các dự án một cách công khai để nhận đủ phản biện trước khi cấp phép, do đó, phải trở thành nguyên tắc.

Người dân sẽ không thể nào không thắc mắc khi những “khu đất vàng” trong các thành phố cứ “thậm thụt” ra đi. Sự minh bạch không những sẽ giúp các dự án lớn không bị dở dang, mà sự tha hoá ở bên trong do xin xỏ, chạy chọt cũng khó lòng thực hiện.

Theo SGTT
  • 0
  • By Admin
  • 16/01/2009
  • 17