• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính thức động thổ xây dựng siêu dự án 15.000 tỷ Hồ Núi Cốc

Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương) vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.

Trước đó, vào ngày 25/12/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã họp và thông qua chủ trương cho phép Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) lập dự án đầu tư Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc.

Theo đó, vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 03 địa phương gồm: TP. Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ gồm các xã: Phúc Trìu, Phúc Xuân, Tân Cương của thành phố Thái Nguyên; xã Phúc Tân của thị xã Phổ Yên; thị trấn Quân Chu và các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu của huyện Đại Từ.

Khu du lịch hồ núi cốc
Sáng ngày 17/2/2016, tỉnh Thái Nguyên chính thức tổ chức lễ động thổ
xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh minh họa

Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha). Theo dự kiến, phân khu chức năng chính của dự án như sau:

Khu tâm linh: Sẽ xây dựng Chùa Tháp cao 150m; đền thờ Tam Thánh: Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, Trần Hưng Đạo; đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Khu dịch vụ đón tiếp và vui chơi giải trí: Sẽ xây dựng khu trung tâm đón tiếp, khách sạn 5 sao, khu ẩm thực, sân golf 36 lỗ, khu bến xe điện, khu bến thuyền,  thảm cỏ, cây xanh.

Khu làng văn hóa các dân tộc: Xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm gìn giữ, phát triển và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Những công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng về giao thông bao gồm: Tuyến đường trục chính từ thành phố Thái Nguyên vào khu du lịch; xây dựng các cầu; đường giao thông quanh hồ, các tuyến đường kết nối với tổng chiều dài khoảng 100km.

Công trình thủy lợi: Sẽ xây dựng hệ thống tưới tiêu đảm bảo nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp thay thế hồ Núi Cốc.

Bên cạnh đó, còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch là: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố kết nối với đường vào khu du lịch; còn vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.

Được biết, mục tiêu của nhà đầu tư là sẽ xây dựng đồng bộ Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc nhằm kết nối khu du lịch hồ Núi Cốc với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn), di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang),… và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử với khu vực TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhằm tạo nên quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia và thế giới, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025.

  • 0
  • By Admin
  • 17/02/2016
  • 17