• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính sách và “bong bóng” địa ốc

Trước đó hai tháng, Hà Nội từ đỉnh điểm “cơn sốt” đất nền và căn hộ chung cư, nay nguội lạnh tới mức đóng băng. Còn nhớ khi đó người dân xếp hàng để xỉa ra 1.000-2.000 USD (20-40 triệu đồng) cho mỗi m² căn hộ sẽ... hoàn thành vào năm 2011 mà chẳng thấy chính quyền lên tiếng, trong khi theo tính toán thì giá xây dựng 1 m² nhà chỉ khoảng 6-7 triệu đồng. Những người có trách nhiệm đã ở đâu hay đã hùa với nhà đầu tư đua nhau “lướt sóng” kiếm lời và nay chính thức đặt lên bàn nghị sự để biến giá “ảo” thành thật?

Việc điều chỉnh giá đất liên tục tăng hằng năm có thể giúp tăng một số nguồn thu (trên giấy) nhưng sẽ làm gia tăng khiếu kiện và chi phí kinh doanh của nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác. Bởi lẽ GDP của một quốc gia không thể chỉ dựa vào nguồn thu từ những khu vực phi sản xuất vật chất như bất động sản, dịch vụ... mà sự nguội lạnh của thị trường hiện tại là điều cảnh báo lớn.

Bài học nhãn tiền từ mô hình tăng trưởng theo “bong bóng” là vụ khủng hoảng Dubai diễn ra trong tuần qua. Nơi này hơn 20 năm trước là một sa mạc khô cằn, không khoáng sản... Đến nay ở đây đã mọc lên hàng loạt cao ốc lộng lẫy, khách sạn cao cấp và một sàn chứng khoán sầm uất. Theo nhà nghiên cứu Christopher Davidson, tác giả cuốn sách Dubai: The Vulnerability of Success, thì 95% GDP của Dubai cho đến năm 2008 là từ khu vực dịch vụ. “Căn bệnh” của Dubai, như ông Davidson phân tích, là theo đuổi những dự án khổng lồ.

Đến nay nhiều tòa nhà cao ốc đẹp xây xong không có khách mua, vốn đọng lớn. Và khi có tin nếu Bắc Cực tan băng thì nơi này sẽ bị nhấn chìm dưới biển thì không ai dám đến mua nhà nữa. Vì thế, Dubai rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả cho những khoản nợ khổng lồ mà Tập đoàn Dubai World (do nhà nước nắm) gây ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự đổ vỡ đó do chính sách sai lầm của Dubai khi chọn con đường tăng trưởng chỉ bằng đầu tư vào dịch vụ. Đáng nói ở chỗ, sau những đổ vỡ tài chính ở Mỹ, nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á chẳng những không rút ra bài học mà lại đem những khoản tiền kếch xù đổ vào Dubai hòng thu lãi nhanh qua việc xây cao ốc để bán.

Ở Việt Nam, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... có hàng loạt nhà cao tầng mọc lên và thị trường hiện nay bắt đầu “đóng băng” một cách đáng sợ. Khối bất động sản này nếu không kịp thanh khoản trước khi gói kích thích kinh tế kết thúc thì số vốn ứ đọng ước tính có thể lên tới hàng chục tỉ USD. Đó là chưa kể các dự án sân gofl tràn lan nhưng vắng khách trong khi đất trồng trọt màu mỡ đang dần mất đi.

Trong bối cảnh đó, giá gạo thế giới vẫn leo thang và được dự báo những năm tới sẽ tăng gấp đôi và 10 năm tới sẽ tăng gấp năm lần bởi một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi đang bị sa mạc hóa, không thể tự cung cấp lương thực cho mình.

Trả lời về một chiến lược kinh tế cho Việt Nam, nguyên đại diện thương mại Mỹ, bà Susan Schwab, nhấn mạnh đến ưu thế số một: “Việt Nam có rất nhiều đất và một nền nông nghiệp thành công”. Thật thế, nông nghiệp với xuất khẩu gạo luôn mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ to lớn và uy thế với thế giới nhưng hiện vẫn bị xem nhẹ. Thậm chí nhiều nơi đất canh tác đã bị cắt xén làm các dự án địa ốc xa hoa và các sân gofl bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường.

Và "bong bóng" sẽ nổ nếu chúng ta không rút kinh nghiệm từ bài học của Dubai.

Theo PLTPHCM
  • 0
  • By Admin
  • 10/12/2009
  • 17