• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính sách nhà cho người thu nhập thấp khó kiểm soát?

Và thực tế cũng đã có nhiều minh chứng về việc người thu nhập thấp không có đủ khả năng để mua loại nhà này. Bởi nếu họ có khả năng mua được thì họ không còn là người thu nhập thấp nữa. Do được Nhà nước ưu đãi miễn giảm cho nhiều thứ đến mức so với giá thị trường giá nó chỉ bằng 50%, 30%.

LTS: Mới đây, thành phố Hà Nội phát hiện ra vụ bán lại nhà của người có thu nhập thấp, vi phạm những quy định của pháp luật. Hiện tượng này là chuyên biệt hay không phải chuyên biệt? Một chính sách mang ý nghĩa nhân văn của Nhà nước, thực tế đã bị vi phạm hoặc lợi dụng. Mới đây, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của bạn Xuân Hải.

Nhận thấy đây là vấn đề rất đáng quan tâm, để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải dưới đây. Và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và giải pháp của quý bạn đọc về vấn đề này

Mua được nhà như trúng số độc đắc?

Nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo, người có công luôn là mối quan tâm của Nhà nước. Hàng ngàn hàng vạn những ngôi nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà cho đồng bào bị lũ lụt... đã được xây dựng, giải quyết được chỗ ở cho biết bao nhiêu người. Thông thường những ngôi nhà như vậy thường ở vùng nông thôn, thị trấn, kinh phí cho mỗi ngôi nhà chỉ vài ba chục triệu.

Điều đáng nói là nhà ở cho người thu nhập thấp tại các thành phố lớn. Theo quy chế, những người được mua nhà loại này phải là người chưa có nhà hoặc nhà ở quá chật hẹp, phải là người có thu nhập thấp. Nhà loại này người mua không được mua đi bán lại, nếu bán thì phải bán cho chủ đầu tư, cho cơ quan quản lý để rồi sẽ bán lại cho các đối tượng có thu nhập thấp khác. Muốn bán thì phải 10 năm sau mới được bán. Cả một hệ thống cơ quan bình xét, quản lý giám sát tưởng như đã rất chặt chẽ. Các cơ quan quản lý đã cảnh báo ai mua lại những nhà này sẽ gặp rủi ro cao, ai bán mà phát hiện được sẽ bị thu hồi... Một chính sách được ban ra và được vận hành như vậy tưởng là rất hợp lý, rất logic không còn kẽ hở nào cả.

Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Cuộc sống không giống như người làm chính sách dự kiến.

Trước khi ban hành chính sách đã có nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến, đã có nhiều chuyên gia nước ngoài trình bày kinh nghiệm của nước họ. Nhiều chuyên gia trong nước cảnh báo và khẳng định rằng: Đối với người thu nhập thấp ở đô thị lớn thì không nên đặt vấn đề bán nhà cho họ mà chỉ nên cho thuê. Đã có nhiều chứng minh về việc này. Người thu nhập thấp không có đủ khả năng để mua loại nhà này. Bởi nếu họ có khả năng mua được thì họ không còn là người thu nhập thấp nữa. Do được Nhà nước ưu đãi miễn giảm cho nhiều thứ đến mức so với giá thị trường giá nó chỉ bằng 50% , 30%.

Và trong thực tế là người được mua nhà đã được hưởng một khoản chênh lệch rất lớn, khoản chênh lệch này có thể ví như trúng sổ xố độc đắc. Cho nên mới xảy ra hiện tượng mua bán trao tay. Ví dụ như ở khu CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) giá bán 1 m2 sàn là 8,8 triệu đồng, người ta rao bán lên 20-22 triệu đồng/m2 sàn (theo thông tin của các báo). Một căn hộ 60 m2 được hưởng giá chênh lệch là khoảng 670 triệu đồng. Thật là một món tiền khổng lồ.

Chính sách nhà cho người thu nhập thấp khó kiểm soát? | ảnh 1
Nên chuyển sang cho thuê nhà thu nhập thấp. Ảnh: Trung Kiên (Đất Việt)

Vừa qua do trượt giá, đời sống khó khăn, Nhà nước đã trợ cấp đột xuất cho những cán bộ có lương thấp mỗi người được 250.000 đồng (1/4 triệu đồng). Đây là một cố gắng rất lớn của Nhà nước. Ta hãy so sánh 2 con số: 1/4 triệu đồng với 670 triệu đồng, gấp 2680 lần. Cũng đều là trợ cấp hỗ trợ của Nhà nước, thật bất công biết chừng nào. Có được bao nhiêu người được mua nhà thu nhập thấp so với người có nhu cầu, liệu có đáp ứng được 3-5 % không ? Cả nước dễ có đến 5-7 triệu người thu nhập thấp không có nhà hoặc nhà chật, nhà không ra nhà? Với nền kinh tế của chúng ta như hiện nay thì đến bao giờ mới đáp ứng được. Cho nên việc tìm giải pháp đúng đắn cho vấn đề này là rất quan trọng.

Chỉ nên cho thuê, không nên bán

Trở lại chủ đề, người được xét mua nhà chắc chắn phải đã đạt đủ các tiêu chí, và bị ràng buộc bởi các tiêu chí theo quy định. Nhưng nay họ đem bán lấy lãi, như vậy họ đã vi phạm các quy định của pháp luật. Một chính sách với mục đích nhân văn tốt đẹp, nhưng đã bị người dân lợi dụng không thương tiếc. Nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Cả một hệ thống cơ quan bình xét, quản lý giám sát tưởng như đã rất chặt chẽ. Các cơ quan quản lý đã cảnh báo ai mua lại những nhà này sẽ gặp rủi ro cao, ai bán mà phát hiện được sẽ bị thu hồi... Một chính sách được ban ra và được vận hành như vậy tưởng là rất hợp lý, rất logic không còn kẽ hở nào cả.

Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Cuộc sống không giống như người làm chính sách dự kiến.

Ở một góc độ nào đó, có thể, đối tượng được mua nhà giá thấp trong thực tế chỗ ở đó không phù hợp với chỗ con cái họ học hành, không thuận tiện cho họ đi làm việc và đặc biệt là cuộc sống của họ còn có nhiều khoản chi tiêu cần thiết hơn nên họ đành lại phải chịu ở chật, ở nhờ một lần nữa. Bảo họ trả lại chủ đầu tư hay cơ quan quản lý để phân cho người thu nhập thấp khác ư? Để làm được việc này họ phải học tập các em nhỏ "nhặt được vàng đem nộp cho chú công an".

Nhưng ở mặt khác, cần xem xét cụ thể. Liệu câu chuyện mua nhà của người thu nhập thấp, trong quá trình hợp đồng, đã có những kẽ hở nguy hiểm, có sự "bôi trơn", sự đi đêm không?

Cơ quan quản lý được dịp kiểm tra kiểm soát. Mất bao nhiêu công xét chọn, giờ đây lại mất bao nhiêu công đi kiểm tra thu hồi. Ấy là chưa kể trong quá trình đó lại có thể xảy ra tiêu cực. Chung quy lỗi này là do chính sách. Xin hãy dừng lại việc bán nhà cho người thu nhập thấp mà chuyển sang cho người thu nhập thấp thuê nhà như đã từng làm với sinh viên các trường cao đẳng và đại học, với các gia đình công nhân ở các khu công nghiệp. Đó là phương án tối ưu nhất: Giữ được tài sản chung, phục vụ cho nhiều người thu nhập thấp, đảm bảo công bằng, chống thất thoát, bớt việc cho các cơ quan quản lý đồng thời cũng không tạo điều kiện để họ có thể tham nhũng.

(Theo TVN)

  • 0
  • By Admin
  • 05/04/2011
  • 17