• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính sách mới về nhà đất tạo cơ hội cho cả người mua và người bán

Trong khuôn khổ triển lãm, buổi đối thoại trực tiếp “Bất động sản (BĐS) - cơ hội nào cho nhà đầu tư?” đã có sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp, bộ, ngành và chuyên gia. Các chuyên gia tham dự đều đưa ra ý kiến rằng với hàng loạt chính sách liên quan đến BĐS được ban hành trong thời gian vừa qua sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho cả người mua và người bán.

Người bán lẫn người mua nhà đều gặp thuận lợi

Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký VNREA, cho biết thị trường BĐS đang có nhiều chuyển biến tích cực. Lãi suất cho vay đã giảm gần bằng giai đoạn 2006-2007, có thời điểm thấp nhất và bằng 50% so với mức lãi suất cho vay cao nhất vào cuối năm 2011.

Đáng chú ý gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng tính đến sáu tháng cuối năm 2014 đã giải ngân 4.275 tỉ đồng, số lượng khách hàng đã ký hợp đồng chiếm tới 14%.

Hàng tồn kho BĐS giảm, cụ thể ở Hà Nội, từ đầu năm 21.500 căn đã giảm xuống 18.000 căn, ở Tp.HCM từ 18.500 căn đã giảm còn 17.500 căn.

Các sản phẩm BĐS có giá trên dưới 1 tỉ đồng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu sản phẩm BĐS tại triển lãm BĐS 2014 với chủ đề giao dịch nhà đất trên dưới 1 tỉ đồng do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 11, 12 và 13-7-2014. Ảnh: QUANG HUY
Các sản phẩm BĐS có giá trên dưới 1 tỉ đồng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu sản phẩm BĐS tại triển lãm BĐS 2014 với chủ đề giao dịch nhà đất trên dưới 1 tỉ đồng do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 11, 12 và 13/7/2014. Ảnh: QUANG HUY

Giá BĐS ở hai thị trường Hà Nội và Tp.HCM hiện đang giữ vững và đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho hay nửa đầu năm 2014 số lượng giao dịch BĐS thành công rất cao, ở Hà Nội đã bán được 2.400 căn, Tp.HCM bán 3.200 căn.

Đó là mới chỉ tính những giao dịch sơ cấp giữa chủ đầu tư bán cho người mua, còn tính thứ cấp giao dịch BĐS giữa người dân với nhau thì con số còn cao hơn. Có dự án của chủ đầu tư chỉ trong hai ngày mở bán đã có 600 căn giao dịch thành công.

Theo ông Hà, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có nhiều đổi mới: Giảm bớt thủ tục, trình tự phê duyệt dự án; những quy định khắt khe về diện tích không còn nữa; các đối tượng nhà ở cho người nước ngoài mở rộng hơn.

Đại đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc điều kiện dễ hơn và họ được mua cả biệt thự, nhà liền kề, căn hộ,… hay như người nước ngoài cũng được thuê và cho thuê lại các dự án BĐS. Điều này sẽ tạo thu hút vốn đầu tư FDI đổ vào BĐS.

Ba dòng tiền thật đổ vào BĐS

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, cũng cho rằng đang có những dòng tiền thật chảy vào BĐS. Đó là nguồn tiền từ chính ngân hàng khi có những gói 30.000 tỉ đồng, 50.000 tỉ đồng hỗ trợ BĐS.

Bên cạnh đó, vốn FDI đổ vào BĐS năm 2014 rất khác với năm 2012, 2013 khi luồng tiền đổ vào đây rất rõ ràng với gần 700 triệu USD trong sáu tháng.

Một kênh vốn quan trọng nữa chính là lượng kiều hối của Việt Nam, với ưu thế luôn đứng trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, luồng tiền thật còn đến từ việc tái cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, kích thích phát triển thị trường BĐS. Dự báo nửa cuối năm 2014, BĐS sẽ tăng trưởng chậm nhưng vững.

Hỗ trợ người mua nhà dưới 1 tỉ đồng

“Nhà đất giá trị trên dưới 1 tỉ đồng sẽ đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân nước ta đang có thu nhập thấp và trung bình rất cần nhà ở. Hơn nữa, sản phẩm phân khúc này có khả năng thanh toán rất cao đảm bảo vốn cho DN. Sản phẩm BĐS 1 tỉ đồng chính là hướng ra của thị trường BĐS hiện nay” - ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, phân tích.

Đồng tình với ông Chung, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết Bộ Xây dựng đang đề xuất xây dựng cơ chế tín dụng đối với nhà ở xã hội, người khó khăn về nhà ở theo hướng lâu dài hơn, ổn định hơn.

Sẽ quy định tất cả tổ chức tín dụng phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho đối tượng có khó khăn về nhà ở vay với lãi suất phù hợp. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang xây dựng một cơ chế cho vấn đề này như gói 30.000 tỉ đồng mà lâu dài hơn.

Ông Hà thông tin: “Đối với gói 30.000 tỉ đồng, sắp tới sẽ kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất 5%/năm từ 10 năm lên 15 năm. Bộ cũng đang đề xuất không quy định về diện tích và giá bán, chỉ cần các dự án BĐS giá dưới 15 triệu đồng/m² hay tổng giá trị sản phẩm BĐS dưới mức 1,05 tỉ đồng là thuộc đối tượng được vay. Khi đó cũng sẽ đề nghị thêm nhiều ngân hàng tham gia để có tác động cạnh tranh hơn”.

Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu tháo gỡ về thuế thu nhập DN, chậm nợ tiền sử dụng đất. Sắp tới sẽ có một cú hích mới từ chính sách để thị trường BĐS nửa cuối năm sẽ sôi động hơn.

Dự án BĐS 5-10 tỉ đồng khó có đầu ra

Các sản phẩm BĐS có giá trị lớn vẫn chưa bán được. Những căn hộ, nhà đất giá trị 5-10 tỉ đồng hay cao hơn phần lớn rất khó bán và chưa bán được dù DN lẫn Chính phủ đã có nhiều chính sách. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại cần tăng cường giao dịch BĐS giá trị nhỏ, cần tạo những dòng, kênh giải quyết những vấn đề nhỏ.

Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Giải quyết nợ xấu mới “làm đẹp” thị trường BĐS

Muốn phát triển thị trường BĐS bền vững thì phải giải quyết bài toán nợ xấu. Mặc dù đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) để mua bán nợ xấu nhưng lại không có đủ quyền lập một bộ hồ sơ mua. Chẳng hạn, một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 50.000 tỉ đồng nợ xấu của VMAC và chồng ngay tiền mặt nhưng yêu cầu phải xác định cho họ chủ quyền hoàn thành thủ tục trong một tuần. Nhưng để làm được điều này mất đến hai năm hoặc hơn. Chúng tôi đang đề nghị tăng thêm quyền lực cho VAMC và phải có một nguồn lực tài chính “tiền tươi thóc thật”, mới mong xử lý nhanh chóng và dứt khoát nợ xấu.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh

  • 0
  • By Admin
  • 12/07/2014
  • 17