• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính sách bán nhà thu nhập thấp: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Trách nhiệm của chính quyền


Chính sách bán nhà cho người thu nhập thấp cần được bổ sung, chỉnh lý kịp thời
để tránh những bất cập có thể xảy ra. Ảnh: Phan Anh

Theo chị Ngô Ánh Hồng, giảng viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, đầu tháng 9, chồng chị nộp hồ sơ và được Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) xác nhận hộ khẩu, nhân khẩu, thực trạng nhà ở của gia đình để đăng ký mua nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Nhưng khi đăng ký mua nhà tại Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai, bộ phận tiếp nhận hướng dẫn làm lại giấy xác nhận đứng tên chị Hồng vì chị thuộc đối tượng ưu tiên cho đợt xét duyệt mua nhà lần này. Vì vậy, chị làm lại giấy xác nhận với nội dung tương tự, chỉ thay tên chồng bằng tên chị. "Ngày 17-9, tôi nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa và nhận giấy hẹn đến 11h ngày 18-9 trả kết quả. Ngày 18-9, tôi nhận lại hồ sơ nhưng không xác nhận của phường mà không có bất cứ lý do gì. Khi tôi đề nghị, họ hẹn đến ngày 20-9 sẽ trả lời bằng văn bản. Đúng hẹn, chồng tôi được bộ phận tiếp nhận hồ sơ thông báo phường không trả lời bằng văn bản, muốn gặp lãnh đạo phường phải làm đơn đề nghị chiều mang ra phòng tiếp dân nộp. Trong khi thời hạn bổ sung hồ sơ của gia đình tôi hết hạn vào ngày 24-9. Việc chậm trễ này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đi ngược lại Quyết định 34 của thành phố, trách nhiệm thuộc về ai? Do năng lực của cán bộ cơ sở hay do văn bản ban hành thiếu chặt chẽ, hay vì lý do nào khác?" - chị Hồng bức xúc.

Thực ra, tình cảnh của gia đình chị Hồng chỉ là một trong nhiều trường hợp nan giải trong hành trình làm thủ tục mua nhà dành cho người thu nhập thấp. Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho biết, trong số 1.890 hồ sơ Công ty tiếp nhận trong đợt bán nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), có tới hơn 800 hồ sơ được trả lại để bổ sung thông tin hoặc sửa chữa theo đúng quy định, chủ yếu là nội dung chứng nhận chưa đầy đủ. "Có nơi, chính quyền chỉ xác nhận chữ ký của tổ trưởng dân phố chứ không xác nhận hiện trạng nhà ở của công dân. Có nơi, người dân phản ánh rằng UBND phường không xác nhận hiện trạng chỗ ở, nên chúng tôi phải cung cấp Quyết định 34 của thành phố, yêu cầu địa phương thực hiện trách nhiệm của mình" - ông Đa nói.

Việc chính quyền từ chối xác nhận hiện trạng chỗ ở cũng là câu hỏi của nhiều người khi giao lưu trực tuyến về nhà ở dành cho người thu nhập thấp với lãnh đạo Bộ Xây dựng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, việc xác nhận nhân khẩu, thực trạng nhà ở thuộc trách nhiệm của công an phường và chính quyền địa phương. Trường hợp gian dối để được mua, thuê nhà, ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị buộc phải trả lại nhà. Trường hợp làm trái quy định liên quan đến việc xác nhận đối tượng cũng như việc bán, cho thuê tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn nhiều bỡ ngỡ?

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai Nguyễn Văn Đa, dự án CT1 Ngô Thì Nhậm là dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đầu tiên bán ra thị trường nên người dân, chính quyền địa phương và ngay cả chủ đầu tư cũng còn nhiều bỡ ngỡ. Đơn cử, quy định về hộ khẩu thường trú tại Hà Nội có nhiều dạng khác nhau: người nhập khẩu nhờ quan hệ với chủ hộ là anh em họ, cháu họ...; người có hộ khẩu Hà Nội nhưng công tác ở ngoài Hà Nội; nhiều hộ khẩu ở cùng một nhà... Có người hộ khẩu một nơi nhưng ở nhờ, thuê nhà ở một nơi và được UBND nơi đang tạm trú xác nhận không có nhà thuộc sở hữu.

Trong quá trình xét duyệt, không ít trường hợp khiến cán bộ băn khoăn như con ở cùng bố mẹ, cháu ở cùng ông bà hoặc ngược lại có được coi là không có nhà hay không? Hay xét theo điều kiện có nhà ở, nhưng diện tích dưới 5m2/người? Trường hợp có nhà nhưng chưa xác lập quyền sở hữu (cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) hoặc đã bán cho người khác được coi là có nhà hay không? Ông Đa cho biết, không ít người già, thuộc diện đối tượng chính sách được ưu tiên mua nhà, trên giấy tờ xác nhận là ở nhờ nhà con. Nếu không nhận đơn xét duyệt thì làm không đúng trách nhiệm, nhưng nếu nhận thì anh em băn khoăn, bởi chả lẽ mua nhà xong cụ ra ở một mình. Trong khi truyền thống của người Việt, con cái phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. "Những trường hợp này, chúng tôi đã tập hợp báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội để hướng dẫn" - ông Đa nói.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, chính sách bán nhà cho người thu nhập thấp là chính sách mới, quy định khó có thể bao quát hết tình huống thực tế, nên vừa triển khai cơ quan chức năng sẽ vừa tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

(Theo HNM)

  • 159
  • By Admin
  • 30/09/2010
  • 17