• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính quyền xã không cấp sổ đỏ theo quy định

Từ đó đến nay, gia đình tôi sinh sống ổn định trên mảnh đất này. Cách đây vài năm, khi nhà nước có chủ trương cấp sổ đỏ cho dân, bố mẹ tội đã nộp đầy đủ giấy tờ theo quy định Nhà nước. Sau đó, tất cả các hộ gia đình xung quanh đều được cấp sổ đỏ, riêng nhà tôi không được.

Bố mẹ tôi đã nhiều lần xuống hỏi chính quyền xã, họ nói giấy tờ nhà tôi hoàn toàn hợp lệ, cứ yên tâm... tuy nhiên cứ khất lần hoặc trả lời không thỏa đáng. Nhiều năm trôi qua, im lặng mãi không được, bố mẹ tôi muốn làm rõ vấn đề và có ý định làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền. 

Biết được, UBND xã gọi bố mẹ tôi đến và nói rằng đất nhà tôi có tranh chấp nên chưa thể cấp sổ đỏ. Hỏi rõ hơn thì họ cho biết, các anh em cùng cha khác mẹ với bố tôi có xuống gặp cán bộ xã và tuyên bố rằng đất của bố mẹ tôi là đất của ông cha, phải chia và nếu muốn làm sổ đỏ phải thông qua mấy người này. (Trên thực tế, các anh em cùng cha khác mẹ của bố tôi có quan hệ làm ăn thân thiết với Chủ tịch và các cán bộ xã, liên quan đến đất đai). 

Gần đây, chủ tịch xã đã trả lời bằng văn bản cho rằng đất của bố mẹ tôi là của ông nội tôi và trên bản đồ năm 1985 có thể hiện (ông nội tôi đã từng được cấp đất một lần và đã bán). Bố mẹ tôi đã gặp những người từng đích thân làm thủ tục cấp đất cho bố mẹ tôi, tất cả họ (đã nghỉ hưu) đều xác nhận chuyện đứng tên ông nội tôi là vô lý và có sự nhầm lẫn hay cố ý nào đó.

Là đối tượng chính sách, bố mẹ tôi rất bức xúc với cách giải quyết thiếu minh bạch, chuyên nghiệp của chính quyền xã, đặc biệt là chủ  tịch xã. Tuy nhiên, bố mẹ tối lại không biết nên bắt đầu từ đâu, làm thế nào cho đúng để bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. Mong chuyên mục hướng dẫn và tư vấn. Xin cảm ơn.
 

Nguyễn Hoàng Linh (Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội)


- Trả lời:

Theo quy định của pháp luật về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. UBND cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thực hiện những công việc sau:

+ Viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ; trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

+ Kiểm tra, xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận về tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất; trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì kiểm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được xét duyệt.

+ Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc tại điểm này, UBND xã, thị trấn phải thông báo cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện trích đo địa chính thửa đất;

+ Công bố công khai kết quả kiểm tra tại trụ sở UBND xã, thị trấn trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai;

+ Gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có đất để thực hiện các công việc tiếp theo của quy trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện gửi giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người sử dụng đất (Điều 11 Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009).

Như vậy, UBND cấp xã chỉ có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ về tình trạng trang chấp và  chuyển đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có đất để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận chứ không có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người sử dụng đất.

Do đó, nếu không được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật, bố mẹ của bạn nên khiếu nại lên UBND cấp huyện nơi có đất để được giải quyết.

Trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện mà bố mẹ bạn không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc khiếu nại đến UBND tỉnh nơi có đất.
 

LS Nguyễn Văn Hậu
Theo Tuổi Trẻ
  • 281
  • By Admin
  • 17/03/2010
  • 17