• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng bán biệt thự để xây trụ sở

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, số biệt thự đưa ra bán đấu giá thuộc dạng biệt thự đơn lẻ, đã bị xuống cấp, ít có giá trị về mặt kiến trúc; và những ngôi nhà biệt lập có khuôn viên đất rộng nhưng không đủ tiêu chuẩn về kiến trúc để xếp hạng biệt thự.

Ngoài việc bán đấu giá, tỉnh Lâm Đồng còn cho thuê dài hạn đối với những biệt thự nằm ở vị trí thuận lợi trong kinh doanh, hoặc những cụm biệt thự liền kề có giá trị nhất định về kiến trúc nhưng đồng thời cũng có tác dụng mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế nếu được đưa vào sử dụng cho mục đích kinh doanh.

“Từ đầu quí III-2013, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đưa một số biệt thự trên địa bàn thành phố Đà Lạt ra chào bán đấu giá nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức”, ông Đoàn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói với TBKTSG Online.

Theo ông Tâm của Sở Xây dựng, tỉnh Lâm Đồng đã phân quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Đà Lạt gồm 173 căn, được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm có một hướng quản lý riêng.

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng bán biệt thự để xây trụ sở

Một trong nhiều biệt thự cổ ở Đà Lạt được sử dụng làm khách sạn công đoàn. Ảnh: website tỉnh Lâm Đồng

Cụ thể, nhóm 1 gồm 5 biệt thự có giá trị cao về lịch sử, văn hóa; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, đại diện tiêu biểu cho một nền kiến trúc, một phong cách kiến trúc; còn bền vững về kết cấu chính. Do đó nhóm này sẽ được quản lý trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng về kiến trúc bên ngoài và bên trong, bảo tồn không gian cảnh quan xung quanh, giữ nguyên kết cấu chính và chủng loại vật liệu xây dựng, giữ màu sắc ban đầu của công trình.

Nhóm 2 gồm 77 biệt thự có có giá trị nhất định về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… Biệt thự thuộc nhóm này chỉ được cải tạo nâng cấp không gian bên trong công trình đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng mới…

Nhóm 3 gồm 96 biệt thự biệt lập có khuôn viên đất rộng, hoặc nhà dạng biệt thự đơn lẻ, khuôn viên đất đã bị chia cắt, nằm ở những vị trí ít quan trọng trong đô thị, ít có giá trị về kiến trúc hoặc đã bị thay đổi kiến trúc trong quá trình quản lý sử dụng, ít có khả năng sinh lợi, kết cấu không còn bền vững hoặc đã xuống cấp. Nguyên tắc quản lý là “cho phép được cải tạo lại toàn bộ hoặc tháo dỡ để xây dựng công trình mới khi cần thiết để thu hút đầu tư và phát triển du lịch”.

Trong đề án “Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Đà Lạt” đã xác định: Nguyên tắc bảo tồn kiến trúc là “bảo tồn phải gắn với sự phát triển tiếp nối”, bảo tồn không làm cản trở sự phát triển...

Theo số liệu của cuộc khảo sát hiện trạng nhà đất trước khi lập đề án “Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Đà Lạt” thì trên địa bàn Đà Lạt có 212 ngôi biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với tổng diện tích sử dụng 63.364 m2 và tổng diện tích đất khuôn viên là 562.663 m2.

Trong số biệt thự kể trên có 64 biệt thự đang sử dụng làm công sở; 30 biệt thự được sử dụng cho mục đích kinh doanh, số còn lại (79 biệt thự) được sử dụng làm nhà ở hộ gia đình. Như vậy, so với số liệu thống kê ban đầu thì trong danh sách hiện nay còn “thiếu” 39 ngôi (173 so với 212).

Nhưng theo giải thích của Sở Xây dựng Lâm Đồng thì do trước đây chưa đánh giá đầy đủ các tiêu chí của biệt thự nên đã đưa cả 39 ngôi “không đủ tiêu chuẩn biệt thự” này vào danh mục biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, thực chất 39 căn biệt thự nói trên là những ngôi nhà biệt lập hoặc nhà có khuôn viên đất rộng nhưng xét về mặt kiến trúc thì không đủ tiêu chuẩn biệt thự.

  • 184
  • By Admin
  • 11/09/2013
  • 17