• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản

Tuy nhiên, đa số các nỗ lực vẫn nằm ở dạng sáng kiến, chủ yếu là nghiên cứu sửa đổi chính sách. Từ đó cho đến thực tiễn, sẽ còn là cả một chặng đường dài mà người dân và doanh nghiệp cần phải tiếp tục kiên nhẫn.
 
Cụ thể, trong thông báo số 322 của Văn phòng Chính phủ ra ngày 22/8/2013 nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu sửa đổi các bộ luật liên quan đến nhà ở, bất động sản (BĐS), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định và các chính sách liên quan đến việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, công văn của Chính phủ còn yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê, chuyển đổi từ dự án nhà ở sang dự án nhà cho thuê. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh cơ cấu dự án nhà ở xã hội.

Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản

Tuy nhiên, việc nghiên cứu sửa đổi chính sách không thể thực hiện trong một sớm một chiều, sẽ vẫn phải trải qua nhiều cuộc hội thảo và tốn không ít thời gian. Trong khi đó, dù lượng hàng tồn kho của thị trường BĐS vẫn không ngừng tích tụ nhưng người dân lại không thể với nổi vì mặt bằng giá vẫn quá cao. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam kết quả rà soát của các địa phương về nhu cầu nhà ở cho thấy, hiện nay và đến 2015 trong khu vực đô thị cả nước còn khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở và 1,715 triệu công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định.

Trước không ít những khó khăn, vướng mắc phát sinh sau 2 tháng triển khai gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ, hôm 16/8, đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, đã cung cấp những thông tin và giải đáp các thắc mắc về gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ. Tuy nhiên, hầu hết những câu trả lời “gỡ rối” của NHNN vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn sẽ sớm xử lý và khắc phục.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng: “Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ”.

Thực tế, kể từ khi BĐS “đóng băng” đến nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ, điển hình là Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên có thể thấy tác động của những chính sách trên còn rất chậm và hạn chế, chưa kể phát sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện do chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó khiến cho cả người dân lẫn doanh nghiệp không còn quá kỳ vọng vào tính thực tiễn của các chính sách mang tính giải cứu và khắc phục.

  • 213
  • By Admin
  • 27/08/2013
  • 17