Chính phủ lại đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai
Đây là dự án luật thuộc chương trình cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 (tháng 10/2012).
Khẳng định dự án luật này rất quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và có nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, lý do Chính phủ đề nghị được lùi là tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012), Quốc hội mới cho ý kiến về dự thảo luật hoặc nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đất đai là một trong nhưng lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, của Nhà nước.
Luật Đất đai là dự án luật rất quan trọng, đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án luật này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cũng đồng ý rằng, trong trường hợp cần bảo đảm chất lượng chuẩn bị và để có thêm thời gian thể hiện các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (tháng 5/2012) thì có thể lùi thời hạn cho ý kiến sang kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6, nếu có nội dung cần sửa đổi Hiến pháp thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thời gian tiếp theo để xem xét, quyết định.
Như vậy, thêm một lần dự án Luật Đất đai sửa đổi, bàn mãi, vẫn lùi.
Đúng như Ủy ban Pháp luật đã nêu, đây là dự án luật có thời gian chuẩn bị đã tương đối dài.
Tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 vào giữa năm 2009, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị giữ đúng tiến độ với dự án luật này, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2009) theo đúng chương trình.Vì, đất đai là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên những vướng mắc về đất đai cần được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải trình lý do xin lùi sửa luật này là vì có tới 9 vấn đề bức xúc cần sửa đổi, sửa vội vàng sẽ không giải quyết hết.
Tiếp đó, vào kỳ họp giữa năm 2009, tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, đề nghị xuyên suốt, quyết liệt của các đại biểu Quốc hội là phải dự dự luật này vào chương trình chính thức. Sau đó, dự luật này có tên trong chương trình chuẩn bị của năm 2010.
Cùng với dự án Luật đất đai, Chính phủ cũng đề nghị lùi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp thứ 3 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Dự án Luật Đô thị cũng được Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời hạn trình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến một dự án luật đã nhiều lần được đề nghị lùi và không được Quốc hội khóa 12 thông qua là dự án Luật Thủ đô, thay vì thông qua tại một kỳ họp thứ 4, Uỷ ban Pháp luật đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp Quốc hội. Theo đó, Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).
Đáng chú ý, dự án Luật Biển Việt Nam, theo Ủy ban Pháp luật cơ bản đã được chuẩn bị xong, các cơ quan hữu quan nhận thấy có đủ điều kiện trình Quốc hội. Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị, bổ sung các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Ban hành quyết định hành chính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.
Chương trình xây dựng, luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 gồm 37 dự án luật. Dự kiến Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thủ đô ... sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).
(Theo VnEconomy)
- 117
- By Admin
- 20/04/2012
- 17