"Chính phủ chưa có chủ trương xây đường sắt cao tốc"
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, trong kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã lập báo cáo tiền khả thi đường cao tốc Bắc Nam để xin ý kiến Quốc hội. Do nhiều lý do, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư."Tôi khẳng định, đến nay Chính phủ chưa có chủ trương hay kế hoạch nào xây dựng đường sắt cao tốc", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục nghiên cứu dự án đường cao tốc Bắc Nam là cần thiết, để làm rõ thêm các góp ý của đại biểu Quốc hội, mà trong báo cáo tiền khả thi chưa nhắc đến, ví dụ quy mô đầu tư, thời gian, tính hiệu quả của dự án, tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội, sức chịu đựng của nền kinh tế…
Vừa qua, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài.
“Trên cơ sở nghiên cứu này, Chính phủ sẽ xem xét có nên đầu tư xây dựng hay không. Tôi xin khẳng định, không có ràng buộc nào giữa việc nghiên cứu dự án và đầu tư dự án, cũng không có cam kết chọn nhà đầu tư hay công nghệ của Nhật Bản”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.
Trả lời VnExpress về lý do tiến hành nghiên cứu dự án vào thời điểm này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: "Thời điểm đầu tư xây dựng lúc nào thì còn phải tính, nhưng với nhu cầu giao thông tương lai không thể không có tuyến đường sắt thứ hai, ngoài đường sắt Bắc Nam hiện nay. Chúng ta phải nghiên cứu, quy hoạch sớm để giữ quỹ đất. Việc chuẩn bị một báo cáo nghiên cứu lớn phải mất 3-4 năm".
Theo ông Dũng, hiện Chính phủ chưa có ý định, dự định thời gian cụ thể trình dự án ra Quốc hội.
Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi cả trên diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Đa số ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn đầu tư quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên xây trước một đoạn đường sắt cao tốc để rút kinh nghiệm. Quan điểm này đã thể hiện ở phương án hai trình Quốc hội trước khi biểu quyết, tức là tán hành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM với những bước đi cụ thể.
Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội đã bác cả 2 phương án này. Đây là một quyết định hy hữu bởi rất hiếm xảy ra trong lịch sử Quốc hội.
(Theo Vnexpress)
- 0
- By Admin
- 01/09/2010
- 17