Chia nhỏ căn hộ chung cư: Đau đầu chuyện pháp lý
“Hai mặt” của việc chia nhỏ diện tích căn hộ
Hai năm trở lại đây, chuyện chia nhỏ, điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích, tăng tỷ lệ căn hộ có diện tích nhỏ trong dự án) trở thành đề tài “nóng”, thu hút sự chú ý của dư luận. Theo ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc Ben Thanh Land, Công ty ông đang sở hữu một dự án căn hộ cao cấp gần khu vực chợ Bến Thành (quận1. TP.HCM), trong đó có 30 căn hộ có diện tích vừa đã được bán hết không lâu sau ngày mở bán, nhưng 50 căn còn lại có diện tích từ 130 - 140m2 vẫn chưa có chủ suốt 5 năm qua.
Trường hợp của Dự án Thăng Long Garden tại Hà Nội may mắn hơn trường hợp của ông Trí nhưng lại rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Sau hơn 8 năm thực hiện, Dự án này (tại số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) do Cty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư, hiện đã thi công xong phần thô 2 tòa nhà và đang tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, trong thời điểm đang bàn giao căn hộ cho các chủ sở hữu thì chủ đầu tư nhận được đơn khiếu nại của một số khách hàng thắc mắc việc chủ đầu tư đã tăng số căn hộ tại dự án từ 316 căn lên thành 436 căn là chưa đủ tính pháp lý.
“Toàn bộ diện tích sử dụng chung sẽ bị chia đều cho 436 căn, khi số căn hộ tăng lên sẽ đồng nghĩa với dân số cơ học cũng tăng. Như vậy, chúng tôi bỏ tiền để mua khối lợi ích chung giờ lại phải chia sẻ với những người khác” - một khách hàng cho biết.
Cần ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh
Trước phản ánh của khách hàng, ông Nguyễn Minh Tuân - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long Garden cho biết, năm 2012 do tình hình kinh tế khó khăn, chủ đầu tư đã xin thành phố và được cơ quan này chấp thuận cho chuyển từ chung cư cao cấp sang nhà ở thương mại bình thường, đồng thời cho phép dự án được chia nhỏ diện tích để phù hợp với khả năng mua nhà của đại bộ phận khách hàng.
Ông Tuân cũng giải thích, việc chia tách này không làm thay đổi hình thức kiến trúc mặt chính công trình; không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, độ cao, số tầng… của dự án và tất nhiên không ảnh hưởng đến diện tích sử dụng đã bán cho khách hàng.
Nhìn nhận vụ việc trên, Luật sư (LS) Vương Thị Thanh (Văn phòng LS An Khánh, Đoàn LS Hà Nội) phân tích, trước khi chia nhỏ căn hộ, Cty May Thăng Long đã được UBND TP.Hà Nội giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị có liên quan xem xét cho ý kiến và báo cáo UBND thành phố. Sau đó, ngày 18/6/2012 UBND TP.Hà Nội đã có Công văn 4608/UBND-QHXDGT với nội dung: “Đồng ý chia tách một số căn hộ có diện tích lớn hơn 142m2”.
“Vì việc chia tách căn hộ của Dự án Thăng Long Garden không rơi vào các Điểm a, b, c Điều 10 Nghị định 64/NĐ-CP buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi chia tách căn hộ, do vậy, chủ đầu tư còn không phải xin giấy phép cho việc chia tách căn hộ” - LS Thanh bình luận.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc chia nhỏ căn hộ đang diễn ra ở nhiều địa phương và được chính quyền đồng ý cũng là giải pháp đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình thế thị trường ảm đạm thì giải pháp chia nhỏ được tính đến và được chủ đầu tư, người mua chấp nhận. Tất nhiên, sau khi chia tách căn hộ, chủ đầu tư đã phải hạ giá. Còn ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam đề nghị, cùng với việc chia nhỏ căn hộ cần đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho người dân như: không gian công cộng, tiện nghi sinh hoạt…
Về lâu dài, theo LS Trần Vũ Hải (Đoàn LS Hà Nội), cần xem xét ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh những vấn đề phát sinh, trong đó có việc chia nhỏ căn hộ như hiện nay.
- 126
- By Admin
- 03/06/2014
- 17