• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chia di sản khi không có di chúc hợp pháp

Hỏi: Mẹ tôi và tôi muốn chia di sản phải làm những thụ tục gì? Liên hệ ở đâu? Mong được giải đáp. Xin cảm ơn.

Nguyễn Thị Phương Khanh
(cư xá XMHT1, KP4, Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM)

- Trả lời của luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Nếu cha bạn chết không để lại di chúc hợp pháp thì phần di sản của cha bạn để lại sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha bạn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha bạn gồm có: mẹ bạn; cha đẻ, mẹ đẻ của cha bạn (nếu còn sống); cha nuôi, mẹ nuôi của cha bạn (nếu có và còn sống); con đẻ, con nuôi của cha bạn (không phân biệt con đẻ trong hay ngoài giá thú).

Di sản thừa kế do cha bạn để lại bao gồm: tài sản riêng của cha bạn và ½ khối tài sản chung của cha mẹ bạn được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

Mẹ bạn và các đồng thừa kế của cha bạn có thể liên hệ Phòng công chứng có thẩm quyền để tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Khi đến Phòng công chứng có thẩm quyền để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế của cha bạn để lại, một trong các đồng thừa kế có thể thay mặt các đồng thừa kế còn lại viết viết yêu cầu công chứng (theo mẫu do Phòng công chứng quy định) và phải xuất trình đủ các loại giấy tờ sau:

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tờ khai lệ phí trước bạ của hai mảnh đất nêu trên; Giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ và tờ khai lệ phí trước bạ của căn nhà nêu trên (trường hợp nhà và đất đã được mua bán, chuyển nhượng qua nhiều người thì phải chuẩn bị tất cả các bản hợp đồng và tờ khai lệ phí trước bạ của các lần mua bán, chuyển nhượng đó).

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản như: giấy khai sinh của người hưởng di sản, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

- Giấy tờ tùy thân của những người khai nhận di sản: CMND, sổ hộ khẩu gia đình;

- Tờ tường trình về hàng thừa kế (theo mẫu) có chứng thực tại UBND cấp xã địa phương;

- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận nhận di sản thừa kế được lập giữa những người được hưởng di sản thừa kế (theo mẫu);

- Trường hợp người thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không thể có mặt thì phải có giấy khước từ quyền hưởng di sản thừa kế (có giá trị trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày người để lại di sản chết) hoặc văn bản ủy quyền tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được cơ quan công chứng hoặc UBND quận, huyện nơi người đó có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú chứng thực.

Sau khi có đầy đủ các loại giấy tờ trên, Phòng công chứng sẽ tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, thụ lý và hẹn những người thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế (mang theo giấy tờ tuỳ thân) có mặt tại trụ sở của phòng để ký thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế trước mặt công chứng viên.

Phòng công chứng thực hiện việc ra thông báo và niêm yết thông báo tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi có di sản thừa kế hoặc nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản trong thời hạn 30 ngày (nhằm thông báo công khai, rộng rãi tránh để việc di sản có tranh chấp, hoặc có bỏ sót người được hưởng di sản, hay khước từ thừa kế nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự).

Phòng công chứng sẽ tiến hành việc xác minh tại tổ dân phố và UBND nơi có di sản thừa kế và nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức khác xác minh (trong trường hợp cần thiết).

Sau khi tiến hành xác minh và thời hạn niêm yết đã hết, nếu không có bất kỳ một khiếu nại gì về di sản thừa kế và những người hưởng di sản, công chứng viên ghi lời chứng và ký đóng.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là cơ sở để các đồng thừa kế giải quyết việc phân chia di sản liên quan đến di sản của cha bạn để lại như: bán, chuyển nhượng, tặng cho …

Trường hợp một trong những đồng thừa kế của bạn cũng như mẹ bạn liên quan đến di sản thừa kế của cha mẹ không chịu hợp tác để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Phòng công chứng thì cách duy nhất là mẹ bạn phải tiến hành khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu phân chia di sản thừa kế nêu trên.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Theo Tuoi tre Online

  • 248
  • By Admin
  • 28/05/2009
  • 17