• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chỉ thu thuế khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn đã hoàn tất

Ông Trường nói:

- Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã nghiên cứu và xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến việc áp thuế TNCN đối với chuyển nhượng hợp đồng góp vốn để mua nhà, nền nhà... (gọi chung là BĐS). Trước hết, cần khẳng định quan điểm là khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, cá nhân có thu nhập thì việc phải chịu thuế đối với khoản thu nhập này là đương nhiên.
 


Cơ quan thuế chỉ áp thuế khi giao dịch đã hoàn tất và có thu nhập phải chịu thuế.

- Việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn khi BĐS chưa hình thành được cho là giao dịch không hợp pháp. Phải chăng việc áp thuế như vậy sẽ hợp pháp hoá các giao dịch đó, thưa ông?

- Tôi cho rằng đã có sự hiểu sai về vấn đề này. Cần phải hiểu là cơ quan thuế chỉ áp thuế khi giao dịch đó đã hoàn tất và có thu nhập phải chịu thuế. Như vậy có nghĩa, việc áp thuế là hành vi cuối cùng sau khi giao dịch đã thực hiện thành công và phát sinh thu nhập cho cá nhân chuyển nhượng.

Ví dụ cụ thể là khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, các bên sẽ phải thực hiện các thủ tục chuyển quyền giữa người bán và người mua, với sự đồng ý chuyển đổi của chủ đầu tư bằng thủ tục công khai. Khi hoàn tất bước này và có hồ sơ hợp lệ gửi cho cơ quan địa chính, cơ quan thuế mới áp thuế đối với bên bán có thu nhập chịu thuế.

Trên thực tế, luật pháp cấm hành vi mua bán nhà trên giấy, chứ không ngăn cấm hành vi chuyển nhượng dạng này. Tôi xin nhấn mạnh là cách hiểu áp thuế ngay đối với hình thức giao dịch ngầm, không có sự chấp thuận và thủ tục chuyển đổi của chủ đầu tư và cơ quan chức năng là cách hiểu không đúng.

- Nhiều chủ đầu tư, cơ sở kinh doanh BĐS cho rằng họ đã bị ràng buộc trách nhiệm là không thoả đáng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Cơ quan thuế không ràng buộc chủ đầu tư hay cơ sở kinh doanh BĐS. Tuy nhiên trên thực tế, đây là đối tượng có liên quan đến việc chuyển nhượng. Việc thu thuế TNCN đối với hình thức này là khá phức tạp. Vì thế, cơ quan thuế đặt ra vấn đề phối hợp, cung cấp thông tin... giữa cơ quan thuế với chủ đầu tư và Cty BĐS.

Cụ thể, khi chủ đầu tư hay Cty BĐS thực hiện việc chuyển đổi sở hữu, chủ đầu tư hay Cty BĐS chỉ cần thông báo với cơ quan thuế là trường hợp nào chuyển nhượng, số tiền chênh lệch là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư hay Cty BĐS cũng thông báo cho cá nhân chuyển nhượng là cần thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong trường hợp phải điều tra thuế đối với cá nhân chuyển nhượng, khi đó chủ đầu tư hay Cty BĐS có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân nộp thuế.

- Trường hợp cá nhân rủi ro khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn khi dự án đó phá sản thì công tác xử lý số thuế đó sẽ ra sao, thưa ông?

- Cần tách bạch đối tượng chịu thuế là bên bán. Điều đó có nghĩa là họ đã thực hiện xong việc chuyển nhượng và có thu nhập chịu thuế. Còn bên mua nếu có rủi ro thì phải gánh chịu và họ hoàn toàn không liên quan đến khoản thuế mà bên bán đã thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tương tự, nếu có tranh chấp thì đó là tranh chấp giữa bên mua với chủ đầu tư hay Cty BĐS. Bên bán khi đó không liên quan nữa, bởi vì hợp đồng chuyển nhượng đã hoàn tất và nghĩa vụ thuế đối với khoản thu nhập của họ đã hoàn thành.

- Nhưng nếu cá nhân chuyển nhượng bắt tay nhau, đưa giá trị chênh lệch chuyển nhượng thấp hoặc bằng không thì cơ quan thuế có biện pháp gì ngăn chặn không, thưa ông?

- Chúng tôi không lý tưởng hoá hay cầu toàn vấn đề này. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đang thực hiện theo cơ chế tự khai và tự chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện sai phạm thì cá nhân sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo rằng việc mua bán cần thực hiện công khai, minh bạch. Bởi nếu bên mua không công khai, minh bạch giá chuyển nhượng thì sau này khi chuyển nhượng tiếp, họ sẽ chịu rủi ro vì mức chênh lệch khi đó sẽ cao lên. Bên cạnh đó, việc bên mua công khai, minh bạch sẽ tránh cho họ khả năng rủi ro khi bên bán "lật kèo".

Chúng tôi được biết, đã có trường hợp thực hiện giao dịch ngầm. Đến khi chuyển đổi từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, bên bán đã "lật kèo", đòi thêm tiền chênh lệch hoặc ép giá...

Đây là những bài học và là thiệt hại thực tế khi người mua không tuân thủ các quy định. Chính vì thế, việc cơ quan thuế gắn trách nhiệm bên mua, bên bán và chủ đầu tư hay Cty BĐS cũng là cách không khuyến khích, loại bỏ hình thức giao dịch ngầm; đồng thời, giúp người mua tránh rủi ro và đảm bảo việc thu thuế đúng, đủ cho Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!
 

Theo Lao Dong
  • 0
  • By Admin
  • 15/09/2009
  • 17