Chỉ số giá xây dựng - công cụ kiểm soát hiệu quả đầu tư
Thưa ông, sau 3 năm công bố, chỉ số giá xây dựng đã thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn?Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường theo thời gian. Chỉ số giá xây dựng có thể giúp các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng lập, điều chỉnh chi phí đầu tư xây dựng công trình một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với các biến động của giá thị trường trong thời gian nhất định, đồng thời tạo điều kiện để giảm thiểu các thủ tục trong tính toán, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình và giá hợp đồng xây dựng.
Đặc thù của sản phẩm xây dựng là sử dụng nhiều loại hàng hóa đầu vào khác nhau, thường có nhiều biến động về giá, có tác động rất khác nhau đến chi phí xây dựng của một dự án, công trình, với những quy mô, địa điểm và thời điểm xây dựng khác nhau. Vì vậy, việc đưa ra phương pháp chung để tính toán sự biến động của giá cả thị trường đến các chi phí dự án xây dựng hết sức quan trọng.
Việc vận dụng chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng công bố trong điều chỉnh chi phí xây dựng thời gian qua khiến mọi việc được tiến hành nhanh chóng và đơn giản hơn, không cần thiết phải sử dụng các bộ định mức xây dựng, đơn giá, hóa đơn chứng từ, mang lại hiệu quả không nhỏ cho cả chủ đầu tư, lẫn nhà thầu xây dựng.
Với vai trò là thông tin tham khảo, tỷ lệ áp dụng chỉ số giá xây dựng trên thực tế như thế nào?
Việc vận dụng chỉ số giá xây dựng sao cho phù hợp đã được phân cấp cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư căn cứ vào phương pháp tính toán xác định chỉ số giá xây dựng do Nhà nước hướng dẫn, các yêu cầu và thời gian thực hiện cụ thể của dự án, gói thầu để quyết định việc áp dụng. Khi chủ đầu tư đã quyết định áp dụng các chỉ số giá xây dựng phù hợp để lập và quản lý chi phí dự án, thì các cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán sẽ căn cứ vào đó để xem xét các vấn đề khác trong quản lý chi phí.
Thực tiễn công tác quản lý chi phí các dự án từ sau khi ban hành Nghị định 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cho thấy, nhiều chủ đầu tư, đơn vị cơ sở đã vận dụng chỉ số giá xây dựng để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, trong giai đoạn 2007-2008, khi giá cả xây dựng có những biến động bất thường, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đã vận dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh kịp thời tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá hợp đồng của các dự án, gói thầu, tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện dự án. Đặc biệt, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đều có hướng dẫn sử dụng chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng công bố, làm căn cứ điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng.
Với các nguồn vốn khác thì thế nào, thưa ông?
Thực ra, mục tiêu quan trọng của chỉ số giá xây dựng là tạo công cụ để chủ đầu tư kiểm soát được tổng mức đầu tư, xác định được tỷ lệ dự phòng trượt giá hợp lý, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong hoạt động đầu tư xây dựng. Chúng tôi cũng rất mong muốn phổ cập thông tin về chỉ số giá xây dựng một cách rộng rãi, để các chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác có thêm công cụ quản lý hữu hiệu.
Thưa ông, sự biến động giá cả thị trường rất khác nhau giữa các địa phương, các vùng trên cả nước. Chỉ số giá xây dựng hiện vẫn chưa cung cấp toàn bộ thông tin cho tất cả các vùng trên cả nước?
Từ khi Bộ Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng theo quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị, việc công bố chỉ số giá xây dựng cần được thực hiện thường xuyên, rộng khắp trên phạm vi cả nước. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng đã từng bước mở rộng vùng công bố chỉ số giá xây dựng từ 3 khu vực đại diện năm 2007; 9 khu vực đại diện trong năm 2009 và đến nay là 12 khu vực đại diện. Dự kiến năm 2011, việc công bố sẽ được thực hiện cho tất cả các khu vực trên phạm vi cả nước.
Chúng tôi có kế hoạch phối hợp cùng các địa phương thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu tính toán chỉ số giá xây dựng cho các địa phương, đảm bảo tính sát thực về chỉ số giá xây dựng, phục vụ các chủ đầu tư trong việc lựa chọn căn cứ để xây dựng tổng mức đầu tư, dự toán công trình, giám sát tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời, Bộ cũng có chủ trương tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính toán chỉ số giá xây dựng cho phù hợp với công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở thời điểm hiện nay.
(Theo Đầu tư)
- 0
- By Admin
- 15/09/2010
- 17