• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chỉ rõ trách nhiệm, xử lý bất cập trong các dự án nhà thương mại

Trách nhiệm thuộc nhiều bên

Việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội dẫn đến nhiều dự án phải tạm dừng triển khai để rà soát có phương án xử lý phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; cộng với tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng; các quy định pháp luật về quản lý nhà ở, khu đô thị (KĐT) có nhiều thay đổi... được cho là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm tiến độ và gây nên nhiều bất cập trong thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại. Đơn cử như các quy định pháp luật về quản lý nhà ở, KĐT có nhiều thay đổi qua nhiều giai đoạn; quy định trước năm 2009 chưa chặt chẽ phần nào làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, tổng hợp, theo dõi các dự án phát triển nhà ở thương mại. Cụ thể từ năm 2006 đến 30/8/2010 việc lựa chọn, xác định chủ đầu tư thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ 1/9/2010 đến nay, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng trước 31/8/2010, sở không được giao chủ trì thẩm định dự án trong các KĐT mới, do đó không có hồ sơ lưu, khó khăn trong công tác quản lý.

Đây là những nguyên nhân do khách quan mang lại. Về chủ quan, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ rõ ba nguyên nhân dẫn tới những bất cập. Thứ nhất, việc hiểu và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong hướng dẫn, đôn đốc, quản lý các dự án phát triển nhà ở của ngành chức năng còn hạn chế. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu nhưng chưa chủ động tham mưu cho thành phố triển khai thực hiện các dự án, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, xử lý các vi phạm; chưa thực hiện tốt công tác tổng hợp, tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án một cách toàn diện, đồng bộ. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính chưa chủ động rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tính lại nghĩa vụ tài chính của dự án sau khi điều chỉnh quy hoạch. Việc rà soát, kiểm tra các trạm xử lý nước thải, đánh giá tác động môi trường của các KĐT chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm đúng mức, dù đã được HĐND thành phố cảnh báo nhưng chậm khắc phục. Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa chủ động tổng hợp, theo dõi và xử lý các vướng mắc của dự án; chậm tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư, theo dõi tiến độ dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở...

Thứ hai là công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn hạn chế. Điều đó được thể hiện ngay trong báo cáo của 3 sở, số liệu các dự án phát triển nhà ở hoàn toàn khác nhau (Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo là 200 dự án; Sở Tài nguyên - Môi trường là 410 dự án; Sở Xây dựng là 373 dự án). Hay trong dự án KĐT Đặng Xá I, dù đã có chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác tham mưu cơ chế đầu tư trường học do chưa nhận được ý kiến của UBND huyện Gia Lâm. Một ví dụ khác, Dự án KĐT Xuân Phương đã có quyết định giao đất từ năm 2008, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, song do thay đổi quy hoạch đến nay các sở, ngành chưa thống nhất được có ban hành quyết định giao đất sau điều chỉnh hay chỉ điều chỉnh quyết định giao đất, dẫn đến chủ đầu tư lúng túng, khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư…

Thứ ba là trách nhiệm của một số chủ đầu tư với Nhà nước, với xã hội chưa cao. Một số nhà đầu tư chỉ chú trọng lợi ích riêng, tập trung xây dựng công trình kinh doanh để thu hồi vốn sớm, chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích cộng đồng, chậm xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, công trình công cộng để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá: Lựa chọn các KĐT mới, người dân luôn mong muốn sẽ được hưởng các điều kiện tốt hơn về cơ sở hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật. Đáng tiếc, nhiều chủ đầu tư đã "quên" đi những việc phải làm.

Đầu tư xây dựng trường học, hạ tầng xã hội thiết yếu trong, ngoài các khu đô thị, khu tái định cư, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết.
Đầu tư xây dựng trường học, hạ tầng xã hội thiết yếu trong, ngoài các khu đô thị, khu tái định cư, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết.

Phải bảo đảm điều kiện sống cho cư dân

Để khắc phục bất cập, hạn chế, ngay sau đợt giám sát, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch, thực hiện công bố các dự án kêu gọi đầu tư và công khai tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án phát triển nhà ở theo quy định. Cùng với tăng diện tích nhà ở bình quân trên đầu người, mục tiêu của Hà Nội là hướng trọng tâm vào cải thiện điều kiện ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp và xây dựng nhà ở xã hội. Khi giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, UBND thành phố cần quy định cụ thể tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và trách nhiệm quản lý, vận hành. Việc cần làm nữa là đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng trong các KĐT, đặc biệt là trường học, trạm y tế… đi đôi với khớp nối hạ tầng kỹ thuật với khu dân cư. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn (ngay từ giai đoạn đầu) cần thiết phải tăng cường để kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm trong thực hiện dự án. Thành phố cần kiên quyết thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, thu hồi đất đối với những chủ đầu tư cố tình vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư dù đã được gia hạn thực hiện dự án đầu tư hoặc chây ỳ thực hiện nghĩa vụ tài chính. Thường trực HĐND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành rút kinh nghiệm, có giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, thiếu sót thuộc trách nhiệm của mình; tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về phía UBND các quận, huyện, thị xã, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu tích cực phối hợp với chủ đầu tư GPMB để dự án được triển khai đúng tiến độ; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nhận bàn giao nhà, đất.

Đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lợi của người dân, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý các chủ đầu tư rà soát tổng thể dự án, thực hiện đúng trách nhiệm của mình như chấp hành và đôn đốc các chủ đầu tư thứ phát thực hiện đúng quy hoạch, đúng tiến độ thời gian được phê duyệt, nhất là các công trình hạ tầng xã hội, công cộng, đồng thời quan tâm đến vấn đề quản lý sau đầu tư. Một việc quan trọng nữa là các chủ đầu tư cần bàn giao quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư theo quy định; bàn giao quỹ đất 20% cho thành phố (đối với những dự án phải bàn giao theo cơ chế đã phê duyệt). Đặc biệt, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các KĐT, khu dân cư; sớm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương quản lý (đối với các hạ tầng phải bàn giao cho địa phương). Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kịp thời hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; sớm thành lập tổ dân phố và các đoàn thể để làm tốt công tác quản lý nhà nước và bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho cư dân các KĐT, nhà ở thương mại.

  • 120
  • By Admin
  • 10/07/2014
  • 17