Chi phí tăng, nhà thầu lợi dụng đẩy giá?
Cuối năm ngoái giá nhà thu nhập thấp tại Ngô Thị Nhậm (Hà Đông) bán giá 8,8 triệu đồng/m2, nay dự án ở xa trung tâm hơn được hét giá đến 14 triệu đồng/m2 |
Nhà thầu đua nhau làm giá
Qua khảo sát thị trường, hiện nay giá bất động sản tại một số khu vực của Hà Nội bắt đầu tăng. Trong đó, các dự án nằm trên trục quốc lộ 32; các dự án khu vực phía nam, phía tây Hà Nội giá tăng từ 10%, cá biệt dự án tăng 20% như Dương Nội tăng mức 50 triệu đồng/m2 lên 55 - 60 triệu đồng/m2 đất nhà liền kề.Giá chào bán đất dự án Thanh Hà (quận Hà Đông) tăng lên 35 - 38 triệu đồng/m2 đất liền kề. Thị trường căn hộ cũng đua nhau đẩy giá, nếu trước Tết, giá căn hộ đã hoàn thiện tại khu đô thị Xa La chào bán 24 triệu đồng/m2, nay tăng lên 26 triệu đồng/m2... Nhiều chủ dự án đã thu tiền của khách hàng, nay cũng rậm rịch dọa tăng giá, do giá vật liệu tăng.
“Dù trong hợp đồng ký kết với nhà thầu thi công có điều khoản xử phạt tiến độ, nhưng từ sau Tết đến nay dự án vẫn chưa thể thi công trở lại. Phần vì nhiều lao động ở quê chưa trở lại làm việc, nhưng phần nhiều do các chi phí cùng lúc tăng cao nên nhà thầu lưỡng lự để điều chỉnh giá thi công mới” - Ông Lê Hoàng Sơn, chủ một dự án nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết.
Không chỉ các dự án nhà ở có quy mô, mà ngay cả các nhà thầu thi công nhà ở riêng lẻ cũng vậy. Ông Đinh Văn Ứng, chủ thầu xây dựng công trình tư nhân trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Tôi nhận thi công công trình nhà ở 5 tầng gần xong nhưng giờ vẫn phải thi công cầm chừng. Giá nguyên vật liệu từ xi măng, sắt, thép, gạch ống… đều tăng từ 20 - 30% so với năm ngoái. Ngoài ra giá nhân công cũng tăng từ 80.000 đồng/ngày lên 120.000 đồng/ngày đẩy phí xây dựng tăng lên nhiều lần”.
Theo ông Ứng, nếu như năm trước, những công trình nhà ở kiểu này chi phí xây dựng chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng nay tăng thêm 500 triệu đồng/công trình.
“Ngay từ khi nhận công trình chúng tôi đã thảo hợp đồng sẽ điều chỉnh giá nếu thị trường đầu vào nguyên vật liệu tăng cao cộng với những biến động về giá cả nên mọi chi phí phía khách hàng phải chịu”- Ông Ứng nhấn mạnh.
Theo một số nhà thầu, giá vật liệu tăng đang kéo theo phí xây dựng tăng rất cao. Chẳng hạn, các công trình cao cấp tăng từ 10- 20% còn các công trình nhà ở tư nhân có thể bị đẩy lên 40- 50%. Vì vậy, việc chủ đầu tư, nhà thầu có điều chỉnh giá nhà hay không phụ thuộc vào hợp đồng đã ký với khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đang đua nhau đẩy giá.
Nhà thu nhập thấp cũng chung cảnh ngộ
Theo kế hoạch hôm qua (7-3), các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội cùng tiếp nhận hồ sơ người mua nhà. Nhưng, khác với dự án trước đây, trong lúc hàng trăm người xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng (nơi tiếp nhận hồ sơ là tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông), cũng như các dự án khác thì chủ đầu tư vẫn chưa thể chốt giá bán.“Chúng tôi chỉ mới tiếp nhận hồ sơ người mua nhà, còn giá bán phải đến tháng sau mới có, vì Cty đang phải tính toán lại các chi phí khi mà giá vật liệu và các chi phí khác tăng quá cao. Giá nhà dự kiến không quá 14 triệu/m2”- Chủ đầu tư dự án Kiến Hưng cho biết.
"Giá xây nhà do rất nhiều yếu tố đầu vào từ vật liệu đến vận chuyển, công lao động, xăng dầu điện. Việc tăng giá đầu vào khác với tăng giá công trình xây dựng nên công trình xây dựng không thể tăng tương ứng với giá đầu vào. Mức ảnh hưởng của đầu vào chỉ ở mức độ thấp nhưng nhiều chủ thầu vẫn lợi dụng giá đầu vào tăng để làm giá các công trình xây dựng. Và thực tế hiện nay giá thành xây dựng cũng như giá nhà đang tăng." - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) |
Việc quyết toán dự án thường phải sau khi xây dựng xong công trình nhà ở hàng năm, vì vậy thành phố đang xin ý kiến Bộ Xây dựng đề nghị cho phép tính giá trên cơ sở dự toán cấp thẩm quyền phê duyệt có tính thêm trượt giá (nếu có).
“Nếu như năm ngoái, có chủ đầu tư bán dưới 10 triệu/m2 đã có lãi thì nay chưa có chủ đầu tư nào đưa ra mức giá tạm tính. Họ đang muốn nâng giá nhà lên” - Đại diện Sở Xây dựng nói.
Có nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp phía Bắc tăng giá bán hàng, thì doanh nghiệp phía Nam cho biết khó thực hiện điều này. Bởi lẽ, giá thành không thể là yếu tố duy nhất tác động đến giá bán.
Ông Trần Đức Long- Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Vincon, một trong những chủ đầu tư nhà thu nhập thấp cho biết: “Tại Đà Nẵng, các dự án nhà thu nhập thấp của chúng tôi được bán hết với giá từ 5,3 đến 6 triệu/m2. Các dự án đã bán rồi thì không thể điều chỉnh giá được. Những dự án chuẩn bị triển khai trong năm tại Hà Nội sẽ phải tăng giá ít nhất là 20% vì hiện giá sắt, thép tăng cao quá; tại Huế và Đà Nẵng thì khó có thể tăng”.
Ông Long phân tích: “Có sự chênh lệnh giá lớn giữa Hà Nội và miền Trung bởi các dự án tại miền Trung được triển khai từ năm 2009 khi chưa có sự biến động nhiều về giá. Riêng tại Đà Nẵng thì hầu hết là khu đất sạch, chúng tôi chỉ xây từ 7 đến 8 lầu.
Trong khi đó, tại Hà Nội thì mãi tới năm 2010 mới triển khai. Bên cạnh đó, do quỹ đất không có nên phải tăng chiều cao thì phải làm tầng hầm, nên chi phí đầu tư lớn. Thêm nữa, tiền giải phóng đền bù Hà Nội lớn, chưa có hạ tầng khớp nối, nên tất cả phải cộng vào chi phí giá căn hộ”.
Ưu tiên người hưởng lương Nhà nướcTheo văn bản vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, đối tượng được xem xét mua nhà thu nhập thấp phải có hộ khẩu thường trú tại các quận, phường. Việc chấm điểm ưu tiên cho các hộ gia đình mua nhà ở thu nhập thấp sẽ ưu tiên theo thang điểm 10 do thành phố quy định.Cụ thể, cán bộ hưởng lương từ ngân sách sẽ được cộng thêm 1 điểm, lao động thuộc doanh nghiệp Nhà nước được cộng thêm 0,5 điểm. Thành phố cũng quy định mỗi hộ gia đình thuộc đối tượng, điều kiện mua nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ được lập hồ sơ mua nhà một lần. |
(Theo Tiền Phong)
- 0
- By Admin
- 08/03/2011
- 17