Chỉ công trình sai phép trước tháng 11/2013 mới được hợp pháp hoá
Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng hiện nay cho phép các công trình xây dựng sai phép, không phép, sai quy hoạch, sai thiết kế tiếp tục tồn tại nếu chủ đầu tư chịu đóng phạt.
Nhưng theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng được Bộ Xây dựng hoàn thiện mới đây, chỉ những công trình xây dựng sai phép, không phép trước ngày 30/11/2013 mới được hợp pháp hóa, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Không vi phạm chỉ giới xây dựng; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt; không ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận hoặc đã hoàn thành việc khắc phục các ảnh hưởng do việc thi công xây dựng gây ra đối với sự an toàn của công trình lân cận; chiều cao công trình không vượt quá chiều cao tối đa theo quy hoạch xây dựng, đồng thời phải phù hợp với thiết kế đô thị được duyệt.
Tuy nhiên, để được hợp pháp hóa thì các cá nhân, tổ chức có công trình xây dựng sai phép, không phép, phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính tương đương 50% giá trị phần xây dựng vi phạm (ngoại trừ trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ).
Thực tế, các cao ốc tại dự án Đảo Kim Cương, quận 2, Tp.HCM đều xây vượt từ 1 – 2 tầng so với giấy phép và tổng diện tích sai phép hơn 3.500m2. Ảnh: Saigondautu.com.vn |
Sau khi hoàn thành việc nộp số lợi bất hợp pháp, cá nhân, tổ chức vi phạm được làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc công trình xây dựng theo quy định.
Đối với các công trình sai phép, không phép, trước ngày 30/11/2013 mà không đáp ứng được các điều kiện kể trên thì sẽ bị buộc tháo dỡ công trình và phần công trình xây dựng vi phạm.
Đối với những công trình xây dựng mới, nếu xây dựng sai phép, không phép, bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền có thể lên tới 50 triệu đồng còn bị lập biên bản dừng thi công xây dựng công trình; trong trường hợp chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện thì sẽ bị đình chỉ thi công, các cơ quan chức năng sẽ ngừng cung cấp điện, nước…
Theo quy định của dự thảo, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức, có hành vi vi phạm có quyền làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng.
Nếu hết thời hạn 60 ngày, cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình hoặc công trình xây dựng vi phạm.
Đối với phần công trình, công trình đã xây dựng không phù hợp với giấp phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần công trình hoặc công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.
- 206
- By Admin
- 28/01/2016
- 17