Chế tài xử lý đầy đủ, nhưng thực thi chưa nghiêm
Trao đổi với PV Laodong.com.vn, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết:Chung cư hiện nay có các loại: chung cư cao cấp, chung cư thương mại và nhà ở xã hội (bao gồm: nhà tái định cư hoặc nhà ở cho người thu nhập thấp)
Về tiêu chí chất lượng, nhà chung cư phải đảm bảo an toàn chịu lực: không nghiêng, lún, sập đổ hay biến dạng. Tiếp đến là độ an toàn về cháy nổ, hoàn thiện, cuối cùng là tiêu chí thẩm mỹ.
Gần như 100% chung cư hiện nay, kể cả chung cư cao cấp hay nhà ở xã hội cơ bản đều an toàn chịu lực tốt. Tuy nhiên, hiện tượng nứt thường xảy ra ở chung cư tái định cư bởi chất lượng hoàn thiện loại chung cư này kém được chỉnh chu hơn so với chung cư cao cấp.
Vậy theo ông, nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt, lún ở những chung cư hiện nay là gì?
Theo tôi, lún nhà ở Hà Nội hiện nay là ít vì phần lớn nhà cao tầng được xây dựng bằng móng sâu, móng cọc. Nếu có lún là lún những phần đất đắp xung quanh chung cư như vỉa hè, sân do đầm phần đất đắp thêm không tốt nên nền đất đắp bị lún xuống sinh ra tụt nền xuống chứ không phải lún cả tòa chung cư bởi kết cấu của khung nhà được nằm trên cọc nên không thể lún cả tòa nhà được.
Còn nứt có nhiều nguyên nhân chứ không phải do lún, khả năng là do vật liệu hoàn thiện, lát gạch bị bong rộp…
Xin ông cho biết quá trình kiểm tra chất lượng công trình được tiến hành như thế nào?
Quy trình và quy chuẩn của tất cả các loại chung cư đều giống nhau, không phân biệt chung cư cao cấp hay thấp cấp, tức là đều có sự giám sát, nghiệm thu từng công đoạn. Có điều chủ thể tham gia có làm đúng hay không. Đối với chung cư cao cấp có lẽ sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với chung cư bình dân nên mới xảy ra hiện tượng nứt, lún như hiện nay.
Vỉa hè chung cư bị nứt toác. Ảnh: Lê Đạt |
Có một doanh nghiệp chia sẻ rằng, chất lượng công trình được đảm bảo một phần cũng do cái tâm của chủ đầu tư. Phải chăng, pháp luật hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những sai phạm về chất lượng của những chung cư, thưa ông?
Rõ ràng công trình là do con người tạo ra, do người thiết kế, người thi công tạo ra và do người giám sát kiểm tra… nên nếu làm đúng quy trình, quản lý chặt chẽ thì sẽ tốt. Nói đúng ra là do ý thức của người tạo ra nó.
Hiện chúng ta có rất nhiều chế tài, có cả NĐ23 về xử phạt hành chính trong xây dựng, trong đó quy định lỗi nào phạt ra sao, phạt nhẹ nhất là phạt tiền, mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng. Tiếp đến là cấm hoạt động xây dựng, thu hồi chứng chỉ hành nghề, ngoài ra trong quan hệ hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu có thể phạt lẫn nhau. Cao hơn nữa nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì theo luật hình sự có thể truy tố…
Theo tôi, mức phạt nếu áp đúng sẽ là rất nặng, ví như nếu cấm hoạt động xây dựng 6 tháng hoặc 1 năm là doanh nghiệp có thể phá sản luôn. Có thể nói rằng, chế tài xử lý là rất đầy đủ, tuy nhiên việc thực thi còn chưa được nghiêm.
Ông có lời khuyên nào cho những người mua chung cư đang gặp sự cố về chất lượng?
Trong mọi quan hệ đều có ràng buộc về trách nhiệm. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư. Còn người mua nhà, nhận nhà thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm với họ. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm bảo hành trong vòng 2 năm sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư là người có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu đến sửa trong vòng 2 năm đó.
Những vấn đề lớn liên quan đến vấn đề an toàn thì nhà thầu phải có trách nhiệm suốt đời. Chủ đầu tư sau khi chuyển, bán cho người sử dụng phải chịu trách nhiệm quản lý tòa nhà. Vấn đề này đã có quy định ràng buộc rõ ràng.
Người mua nhà cần nắm bắt được những vấn đề này để có hướng giải quyết khi gặp sự cố.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 01/11/2010
- 17