Chạy đua mở khu công nghiệp
Như một sự “tháo cũi”, từ vựa lúa Đồng bằng Sông Hồng đến eo biển miền Trung, khu kinh tế động lực Đông Nam Bộ đến vùng bờ xôi ruộng mật Đồng bằng Sông Cửu Long cùng ồ ạt mở khu công nghiệp.Được phân cấp, lãnh đạo nhiều địa phương luôn muốn tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ bằng mọi giá đã đua nhau trải thảm đỏ lôi kéo nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN). Song, việc phát triển thiếu liên kết và thiếu tầm nhìn xa này khiến tình trạng lãng phí… KCN diễn ra khắp nơi.
“Vương quốc” KCN
Tuy sinh sau đẻ muộn của vùng công nghiệp Đông Nam bộ, song Bình Thuận cũng cố vươn lên làm công nghiệp cho “bằng anh bằng em”. Tính đến cuối 2010, tỉnh này đã được Chính phủ cho phép thành lập 8 KCN với quy mô đến 4.284 ha. Điển hình như ở huyện Hàm Tân, một huyện nghèo mới tách ra từ huyện Hàm Tân cũ, đã có đến 3 KCN, mà chỉ riêng xã Sơn Mỹ có đến 2 KCN quy mô lớn là Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II. Trong đó, chỉ một mình KCN Sơn Mỹ I đã chiếm đến 1.256,8 ha.Các địa phương chạy đua thành lập KCN. Ảnh: Trung Dân. |
Thống kê của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (Diza), đến ngày 12/10/2011, Đồng Nai có 30 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích gần 9.600 ha. Đứng đầu là huyện Nhơn Trạch, nơi được xem là “vương quốc của vương quốc KCN”, với 10 KCN, tổng diện tích đất lên đến 3.600 ha và một cụm công nghiệp địa phương rộng 94 ha. Còn Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Biza) thông báo cả tỉnh hiện có 14 KCN với diện tích hơn 8.800 ha. Tại Bình Dương cũng đã có đến 24 KCN được thành lập.
Ở vựa lúa ĐBSCL, theo số liệu của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), đang có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha. Ngoài ra còn 214 khu, cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch với diện tích 18.658 ha, Mặc dù các KCN vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng nhiều địa phương vẫn đua nhau lập quy hoạch phát triển thêm KCN.
Nhan nhản KCN “treo”
Để dành đất cho KCN, hàng chục nghìn hộ dân đã chấp nhận tìm nơi ở mới, công việc mới mưu sinh. Song, đáp lại sự hy sinh ấy, các chủ đầu tư “xí” đất xong… biến mất.Mục sở thị KCN An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), được triển khai từ năm 2003, với diện tích đất khoảng 130 ha, do Công ty Dệt - TM - DV Minh Hiệp (TP HCM) làm chủ đầu tư, chúng tôi thực sự bất ngờ: Khu vực triển khai dự án hiện không thấy đâu. Một nhân viên của phòng quy hoạch thuộc Diza cho hay, KCN này đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng. Chúng tôi đề nghị vị này chỉ vị trí KCN thì được cho biết “rất khó tìm vì dự án chưa làm gì cả”!.
Còn KCN Nhơn Trạch VI của huyện Nhơn Trạch được thành lập năm 2005 – 2008 cũng chưa giải phóng xong mặt bằng. Và cũng như cách trả lời của chuyên viên phòng kinh tế huyện Long Thành, cán bộ Phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết dự án chưa làm hạ tầng nên rất khó tìm vị trí!
Cùng hoàn cảnh, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có hàng loạt KCN như Phú Mỹ 3, Đất Đỏ I, Long Hương… dù đã được thành lập mấy năm nay cũng chưa giải phóng xong mặt bằng.
Còn vựa lúa ĐBSCL, vốn không có lợi thế nên càng dày đặc các dự án KCN “treo”. Ngay như thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế của vùng, cũng “đắp chiếu” hàng loạt KCN. Điển hình như KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B nhiều năm qua chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng. Tỉnh Tiền Giang với 2 KCN tàu thủy Soài Rạp và KCN Dịch vụ dầu khí nhiều năm qua vẫn là bãi đất trống.
Theo đại diện Ban quản lý các KCN Bình Thuận, một ha đất trong KCN Sơn Mỹ tính theo Nghị định 69/CP của Chính phủ thì tiền đền bù lên đến 1 tỷ đồng/ha. Chủ đầu tư lấy đâu ra hàng nghìn tỷ đồng thời buổi khó khăn này để đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, họ cũng tính khả năng thu hồi vốn là rất khó nên chần chừ.
Ngoài KCN, cả nước còn 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp, với diện tích đã cho thuê trên 10.000 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 44%. Trong khi đó, chỉ tiêu Quốc hội cho phép đến năm 2010 con số đất làm công nghiệp là 44.000 ha, nhưng các địa phương đã giao tới 93.000 ha, vượt 211,36%. |
(Theo Đất Việt)
- 129
- By Admin
- 06/12/2011
- 17