• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chào bán đất "dịch vụ": Thủ đoạn mới của "cò" đất

“Cò” đất tung hoành
Chào bán đất "dịch vụ": Thủ đoạn mới của "cò" đất | ảnh 1
Chưa có thửa đất nào được giao nhưng mua bán đã rầm rộ từ vài năm trước (Trong ảnh: Một khu đất tại phường La Khê, Hà Đông đã hoàn thành hạ tầng nhưng vẫn bỏ hoang)

Khái niệm “đất dịch vụ” bắt đầu lan tràn trên thị trường bất động sản Hà Nội từ khoảng năm 2008, khi hàng loạt quận, huyện thuộc Hà Tây (cũ) chuẩn bị hợp nhất vào Hà Nội. Có thể hiểu vắn tắt là trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp phục vụ dự án, nông dân bị mất đất canh tác. Để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước có chính sách hỗ trợ bằng đền bù, đào tạo nghề và phân đất dịch vụ.

Theo đó, mỗi hộ dân được phân đất dịch vụ với diện tích bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Điều đáng nói là các khu đất dịch vụ này phần lớn vẫn nằm trên giấy. Có khu đã GPMB, đang làm hạ tầng, có khu còn chưa xong GPMB... Tất cả những gì hiện hữu mới chỉ là bản danh sách các hộ dân sẽ được cấp đất dịch vụ - chứ chưa hề có lô, thửa, hay bản đồ phân khu rõ ràng như đất dự án.

Mù mờ như vậy nhưng từ khi hợp nhất vào Hà Nội, tình trạng mua bán đất dịch vụ bằng giấy tờ viết tay đã rất phổ biến ở các quận, huyện phía Tây như Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng... Người ta chấp nhận chi tiền tỷ mua những thửa đất dự kiến sẽ “xuất hiện” sau này. Có mua, có bán, đội ngũ “cò” đất dịch vụ tăng nhanh chóng. Những ngày này, vào công cụ tìm kiếm Google, gõ cụm từ “đất dịch vụ” cho ra tới 15,5 triệu kết quả. Con số này cho thấy, việc mua đi bán lại đất dịch vụ đã diễn ra rầm rộ như thế nào. Những lời đường mật thường thấy khi có khách tìm mua đất dịch vụ là “vị trí khu đất nằm sát cạnh hoặc bên trong khu đô thị, rất thuận lợi để buôn bán kinh doanh và làm các dịch vụ hay “cơ sở hạ tầng đồng bộ, đường rộng, ôtô đi lại thuận tiện” và “đất được cấp lâu dài, được phép xây nhà cao tầng để ở hoặc kinh doanh”...

Mới nghe thì rất hấp dẫn nhưng khi hỏi “cò” chỉ đích danh địa điểm, tất cả đều đánh trống lảng bởi đất còn đang “trên trời”, đã biết ở đâu mà chỉ! Thêm nữa, đất dịch vụ không phải đất ở bởi như đã nói ở trên, đất này được giao cho dân với mục đích sản xuất, tạo công ăn việc làm bù đắp cho diện tích đất canh tác đã thu hồi. Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội giải thích: “Đất dịch vụ không phải đất tái định cư nên không phải cứ thích là xây nhà ở. Muốn chuyển thành đất ở, phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đặc biệt phải phù hợp quy hoạch. Nếu quy hoạch nói đó là đất sản xuất thì không thể xây nhà ở được...”.

Mua đất như đánh bạc

Chào bán đất "dịch vụ": Thủ đoạn mới của "cò" đất | ảnh 2
Người dân đang đóng tiền đầu tư hạ tầng cho các khu đất dịch vụ ở thôn Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức
Hơn tháng trở lại đây, giá đất dịch vụ tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) bất ngờ tăng chóng mặt và tin rao bán loại đất này tràn ngập trên các trang rao vặt về nhà đất cũng như tại các văn phòng nhà đất. Theo đó, mức giá đất dịch vụ rao bán dao động từ 19 đến 25 triệu đồng/m2 (tùy thuộc vào vị trí trong ngõ hay mặt đường), với những lời rao hấp dẫn như “bán đất dịch vụ giá rẻ, hồ sơ đầy đủ Giấy chứng nhận của huyện Hoài Đức cấp, các giấy tờ hợp lệ, có xác nhận và dấu của Hợp tác xã nông nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương...”.

Theo những thông tin lan truyền trong giới kinh doanh bất động sản, giá đất tại Khu đô thị mới Nam An Khánh, Bắc An Khánh nằm kế bên thôn Vân Lũng có giá đắt gấp 2-3 lần mức giá trên nên đầu tư vào đất dịch vụ sẽ mang lại cơ hội rất lớn. Trước những lời đồn thổi về siêu lợi nhuận, đã có không ít người dân, nhà đầu tư đổ xô về tìm hiểu với mục đích “thu gom” đất chờ thời.

Để chứng thực những vụ mua bán đất dịch vụ tại Hoài Đức, phóng viên đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn Vân Lũng và chứng kiến cảnh người dân đến nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho quỹ đất dịch vụ. Ngay tại hiên nhà văn hóa, thấy sự có mặt của người lạ, một số “cò” đất ngay lập tức đã áp sát, chào bán đất dịch vụ với giá từ 800 đến trên 900 triệu đồng/suất đất, mặt tiền 4m, diện tích gần 40m2, tức khoảng 20-25 triệu đồng/m2.

Khi đặt vấn đề muốn đi xem thửa đất, đối tượng này nhấm nhẳng: “Chú không thấy chúng tôi đang đóng tiền làm hạ tầng à? Mua bán phải tin nhau chứ! Chính quyền đã hứa có đất thì trước sau sẽ có. Với lại, giờ mua ngay thì mới có giá đó, còn nếu muốn nhìn thấy đất thật thì không có giá hơn 20 triệu đồng/m2 nữa đâu...”.

Cũng những thông tin phập phù như vậy, các số điện thoại rao bán đất dịch vụ tại Vân Lũng trên mạng Internet cũng chỉ ậm ừ “chưa biết rõ đất ở đâu mà chỉ rao bán hộ”...

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 09/06/2011
  • 17