Cha mẹ có quyền định đoạt tài sản riêng?
Khi ba mẹ còn sống, các con muốn phân chia tài sản cho mỗi người thì có được không (ba mẹ tôi không đồng ý và nói lúc nào ba mẹ chết mới được phân chia)? Tài sản của ba mẹ muốn cho ai thì cho hay phải chia đều cho các con?Nguyen Hoang Quan (quan_nguyen37@... )
- Trả lời:
Với thông tin như trên thì không khẳng định được quyền sử dụng 200m2 đất và căn nhà trên là tài sản của riêng cha mẹ bạn hay là tài sản chung của hộ gia đình bạn.
Muốn biết quyền sử dụng đất và nhà trên là tài sản của ai thì cần phải xem xét đến thời điểm hiện tại đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) hay chưa; nếu đã có giấy chứng nhận thì giấy chứng nhận đã cấp cho cha mẹ bạn hay cấp cho hộ gia đình bạn.
Trường hợp chưa có giấy chứng nhận thì phải xem xét đến nguồn gốc nhà, đất có được từ đâu (thể hiện bằng các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai).
Trường hợp nhà và quyền sử dụng đất trên là tài sản riêng của cha mẹ bạn thì cha mẹ bạn có toàn quyền định đoạt như chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế… cho bất kỳ ai theo quy định của pháp luật mà không ai có quyền ngăn cản.
Nếu cha mẹ bạn không chuyển nhượng, tặng cho hoặc để lại di chúc… cho bất kỳ ai khi còn sống thì khi cha mẹ bạn chết đi, quyền sử dụng đất và nhà trên sẽ được chia đều cho những người thừa kế của cha mẹ bạn.
Theo quy định của pháp luật dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trường hợp quyền sử dụng đất và nhà trên là tài sản chung của hộ gia đình thì việc định đoạt tài sản chung này sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý bằng văn bản.
LS NGUYỄN VĂN HẬU
(Theo Tuổi trẻ)
- 232
- By Admin
- 11/10/2010
- 17