• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cắt nghĩa quy hoạch đô thị kiểu “Thánh Gióng” của Việt Nam

Phát triển giao thông công cộng và công tác lập quy hoạch đô thị là một trong những chủ đề nóng, gây được sự quan tâm lớn tại Hội thảo quốc tế Tầm nhìn Việt Nam - ASEAN diễn ra hôm 23/10, do Hội cựu sinh viên Học viện Phát triển Công nghệ châu Á AIT (Thái Lan) tổ chức.

Bên lề sự kiện này, TS. Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển giao thông vận tải, ĐH Giao thông Vận tải đã trao đổi về những đề xuất mới.

- Thưa ông, quy hoạch về đô thị luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân mà gần đây nhất là Quy hoạch Hà Nội mở rộng. Ông có đánh giá thế nào về chất lượng những bản quy hoạch này?

TS. Khuất Việt  Hùng: Làm quy hoạch, chúng ta hay mắc phải trạng thái "Thánh Gióng". Từ chỗ không có gì, chúng ta lại cứ muốn sau một đêm, mở mắt ra là ngày hôm sau có hết rồi. Vì thế, những bản quy hoạch vẽ ra của chúng ta thì những người lạc quan nhất trong giới chuyên môn không thể tin rằng, chúng ta có thể làm được một phần ba bản vẽ đó.

Nó giống như một mâm tiệc được bày ra rất hoành tráng, có hàng trăm nghìn món ăn mà chúng ta chỉ là một anh nông dân, gắp mỗi món một tí mà rồi, không có cảm giác ngon, cả bữa tiệc trở nên dở dang.

Chẳng nói đâu ra, ví dụ gần nhất là Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Riêng phần hạ tầng cho Hà Nội mở rộng phát triển đến năm 2030, Nhà nước sẽ phải đầu tư 90 tỷ USD, bằng đúng tổng GDP của Hà Nội trong 20 năm.

Vậy, chẳng lẽ, Hà Nội không "ăn", không "ngủ", không "mặc"? Chẳng lẽ, tất cả dồn vào làm đường, làm cầu cống thôi sao? Người ta bảo là sẽ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng đầu tư nào cũng là tính vào GDP. Quy hoạch ấy ta làm to quá, làm sao thực hiện được? Cá nhân tôi cho rằng,  không cách nào làm nổi?
 

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (ảnh: Phạm Huyền)

Mà đó là lúc tính chi phí trong Quy hoạch là theo định mức của Bộ Xây dựng, còn trên thực tế, giới chuyên môn đều biết rằng, vốn ấy trên thực tế sẽ phải gấp 3 lần. Thử nhân 3 lần, sẽ là bao nhiêu? Thế mà, người ta vẫn bảo vệ quan điểm ấy. Người ta đang đùa trên tài nguyên của đất nước, nhân dân.

- Phải chăng, chỉ đơn giản là vì làm quy hoạch "Thánh Gióng" nên Việt Nam mới có nhiều quy hoạch "treo", thưa ông?

- Chúng ta có quá nhiều quy hoạch. Mỗi bộ lại chủ trì một quy hoạch. Qui hoạch chung xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì, Quy hoạch giao thông do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, Quy hoạch đất do Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì, Quy hoạch kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì. Và mỗi ngành sẽ có một ý đồ riêng, một mục tiêu riêng của ngành đó.

Quá nhiều đơn vị lập quy hoạch, nhiều đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện quy hoạch và hậu quả là, trong quá trình phát triển đô thị và không gian quốc gia, sẽ phát sinh sự lệch nhau về lợi ích, quan điểm.

Các quy hoạch đá nhau, chồng tréo nhau. Mâu thuẫn sẽ khó thực hiện. Đó là một nguyên nhân cực kỳ cơ bản cho hiện tượng quy hoạch treo.

- Như ông nói, chúng ta dường như đang bội thực các quy hoạch mà trên thực tế, không cần thiết phải như vậy?

- Theo tôi, chỉ cần một quy hoạch tổng thể đô thị thôi. Đó là đề xuất cơ bản nhất của tôi ngay tại hội thảo này.

Có thể thấy, 4 loại quy hoạch đó đều cần nội dụng về thông tin đầu vào và phương pháp lập qui hoạch giống nhau. Nhưng, rốt cục, chúng ta làm riêng  từng quy hoạch và nhiều bất cập, mâu thuẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, các quy hoạch đó cũng không thể kế thừa nhau được.

Theo Luật hiện nay, các quy hoạch đất, xây dựng, giao thông đều phải dựa vào quy hoạch chung tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Khi chúng ta bắt đầu ra ra quyết định lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì tức lúc ra quyết định đến lúc làm xong đã mất khoảng 3 năm. Vậy là khi bản quy hoạch đó phê duyệt thì số liệu lạc hậu mất 3 năm.

Đến lúc đó, mới bắt đầu lập quy hoạch chung về xây dựng và quy hoạch đất, mất thêm 3 năm nữa, mà những quy hoạch này vẫn phải dựa vào bản quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội kia, vậy là chậm mất 6 năm, mọi số liệu dự báo... đã sai lạc rất nhiều.

Quy hoạch đô thị Hà Nội mở rộng cũng mắc trạng thái Thánh Gióng (ảnh: theo idr.edu.vn)

Với tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam là từ 11-15%, chỉ sau 5 năm, chúng ta đã có một thành phố mới về mặt kinh tế - xã hội. Cho nên, nếu hôm nay tiếp nhận kết quả dự báo của 6 năm trc thì kết quả đó không thể nào tin cậy được nữa.

Vậy là, khi làm quy hoạch giao thông, xây dựng đất đai đó, chúng ta lại phải làm lại dự báo một lượt từ đầu, lãng phí thời gian, công sức. Rõ ràng, các quy hoạch đó không thể có tính kế thừa nhau.

Vì thế, tôi đề nghị tích hợp tất cả các nội dung đó lại thành một Quy hoạch tổng thế phát triển đô thị, trong đó có kinh tế xã hội, có phát triển không gian, có hạ tầng kỹ thuật, có sử dụng đất đai như thế nào.

Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để làm như vậy, và các nước cũng đều làm như vậy. Singapore là một ví dụ cực kỳ điển hình cho sự thành công này, họ chỉ có một quy hoạch như vậy thôi, chứ không đất nước nào nhiều quy hoạch như Việt Nam cả.

- Thưa ông, nếu vậy thì chúng ta cần phải sửa lại nhiều văn bản chính sách hiện hành?

- Đề xuất này đúng là kéo theo phải sửa ngay Luật Quy hoạch đô thị vừa ban hành. Trong luật, cái được gọi là quy hoach đô thị thực chất chỉ là quy hoạch chung xây dựng đô thị mà thôi, được cắt ra từ Luật xây dựng chứ không phải là quy hoạch tổng thể phát triển chung đô thị như người ta kỳ vọng.

Có lẽ, đề xuất này đụng chạm nhất về mặt luật lệ. Nhưng theo tôi, nếu không thay đổi, mọi thứ vẫn tiếp diễn như mọi khi.

- Tại hội thảo, đại biểu đến từ Thái Lan cũng đã có bài trình bày kinh nghiệm về công tác quy hoạch mạng lưới đô thị Bangkok. Theo ông, chúng ta có thể học được kinh nghiệm như thế nào từ Thái Lan?

- Đó là bản quy hoạch đã được Chính phủ Thái Lan phê duyệt. Các vấn đề như lộ trình thực hiện, công tác huy động vốn đến quá trình thực hiện từng tuyến vận tải công cộng... chúng tôi thấy họ làm rất bài bản.

Chẳng hạn như quá trình thẩm định nhận xét và ra quyết định phê duyệt quy hoạch ở Thái Lan, họ đưa ra những yêu cầu về những thông tin cần thiết, hàm lượng kiến thức kỹ thuật khoa học trong quá tình thẩm duyệt rất cao.

Ở Việt Nam, tôi có cảm giác như hàm lượng khoa học kỹ thuật trong quá trình thẩm định quy hoạch hay các dự án quốc gia không được coi trọng. Đó là điều mà chúng ta nên xem xét, rút kinh nghiệm từ các bạn bè láng giềng. Thái Lan rất gần và rất dễ để học hỏi họ.

(Theo VNR500)

  • 0
  • By Admin
  • 25/10/2010
  • 17