Cấp phép và thực thi giấy phép xây dựng: Còn chỗ để "lắc lư"…
Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực, hệ thống các văn bản dưới luật do Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn về giấy phép xây dựng theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương đã giúp cho công tác cấp giấy phép xây dựng đạt được những kết quả tích cực. Đó là tỷ lệ số công trình xây dựng có giấy phép tăng dần qua các năm, từ 71% năm 2005 lên 92% năm 2009; tỷ lệ số công trình xây dựng sai phép cũng giảm dần từ 22% năm 2005 xuống còn 3,2% năm 2009.
Tuy nhiên, những con số đẹp không thể "khỏa lấp" một thực tế là thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, nhiêu khê. Bên cạnh đó, dù đã có giấy phép nhiều chủ đầu tư, chủ công trình vẫn cố tình xây sai, xây "thừa". Ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt ra câu hỏi về sự yếu kém trong công tác quản lý sau cấp phép. Theo ông Đức, ở các nước cấp phép xây dựng làm cụ thể, chi tiết, minh bạch và quản lý cũng rất chặt, còn ở ta, tình trạng giấy phép xin 5 tầng, nhưng thực tế xây lên đến 7 - 8 tầng còn khá phổ biến. Một trong các nguyên nhân quan trọng là do trách nhiệm các cơ quan liên quan còn chưa rõ ràng. Liên quan đến công tác quản lý, nhiều ý kiến từ phía các địa phương bày tỏ mong muốn được hoàn thiện hệ thống thanh tra xây dựng để nâng cao chất lượng công tác quản lý ở cấp cơ sở.
Theo phản ánh của các địa phương tại hội thảo về giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép mới được Bộ Xây dựng tổ chức, thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng đã giảm bớt song chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận. Việc thiếu quy hoạch chi tiết đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới cấp phép xây dựng, tạo "môi trường" cho hiện tượng nhũng nhiễu, xin - cho tồn tại. Tại những khu vực có yêu cầu quản lý về kiến trúc lại chưa có thiết kế đô thị hoặc chưa có quy định về quản lý kiến trúc gây khó khăn cho công tác cấp phép. Việc thỏa thuận kiến trúc quy hoạch được đánh giá là một khâu rất dễ phát sinh tiêu cực. Nhiều người lấy làm lạ rằng trong cùng một dãy phố, nhiều nhà chỉ được xây tới 3 - 4 tầng, nhưng một số nhà khác lại được xây tới 9 - 10 tầng với lý do tạo "điểm nhấn".
Thủ tục hành chính đã được rút gọn song một số địa phương lại tự ý "bôi" thêm thủ tục. Luật Xây dựng quy định khi xin cấp phép xây dựng chỉ phải nộp có 3 thủ tục gồm đơn xin cấp phép, giấy tờ về sở hữu nhà đất, hồ sơ thiết kế công trình, nhưng tại một số quận của Hà Nội, các thủ tục niêm yết xin cấp phép xây dựng được quy định tới 7 loại, tức là có tới 4 loại thủ tục do địa phương tự ý "phát sinh". Giải thích cho hiện tượng này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở cũng chỉ quy định có 3 thủ tục, còn những thủ tục khác về hợp đồng phá dỡ, hợp đồng vận chuyển, xác nhận của nhà liền kề... đều không bắt buộc và chủ yếu do chính quyền địa phương đặt ra.
Trong khi nhiều thủ tục vốn đã được rút gọn nhờ cải cách thủ tục hành chính lại được một số nơi cho tiếp tục tồn tại gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức xin cấp phép xây dựng công trình thì trong giấy phép xây dựng lại thiếu vắng nhiều nội dung quan trọng như hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình.... Có ý kiến cho rằng, nếu các tiêu chí này được quy định cụ thể thì đã không xảy ra tình trạng công trình xây dựng lô xô, mầu sắc tùy tiện đang tồn tại trên nhiều tuyến phố mới ở Hà Nội.
Được biết, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp kiến nghị và đề xuất của các địa phương về giấy phép xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi và hoàn thiện các quy định hiện hành.
(Theo KT&ĐT)
- 0
- By Admin
- 16/08/2010
- 17