• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cấp phép tràn lan

Sân golf biến tướng

Theo quy hoạch đến 2020, tỉnh Lâm Đồng có 6 sân golf. Ngoài 2 dự án sân golf ở huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc, thì trong khoảng cách chỉ chừng 30 km từ Đà Lạt xuống huyện Đức Trọng, Đơn Dương có đến 4 dự án sân golf gồm: sân golf Đồi Cù 18 lỗ (tổng vốn đầu tư 40 triệu USD); sân golf Sacom Tuyền Lâm 18 lỗ; sân golf 36 lỗ và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt ở thôn K’Rèn (Hiệp An, Đức Trọng), tổng vốn 17,087 triệu USD và sân golf Royale City 36 lỗ tại xã Đạ Ròn (Đơn Dương), tổng vốn 18 triệu USD. Nếu lấy sân golf ở thôn K’Rèn làm trung tâm thì bán kính giữa các sân golf này chỉ khoảng 14 - 15 km.

Ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, cảnh báo: “Tất cả các sân golf đều ở vị trí cao (trên đồi), việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ rất dễ ảnh hưởng đến nguồn nước ở hạ lưu. Việc cho phép sử dụng nước mặt, nước ngầm và xả thải phải được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là địa bàn Lâm Đồng là đầu nguồn của lưu vực sông Đồng Nai”.

Tại các KCX và KCN ở Cần Thơ hiện có 184 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư thực hiện khoảng 460 triệu USD, chỉ mới đạt tỷ trọng 31% tổng vốn đầu tư đăng ký và có 137/184 dự án đầu tư đã đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, hạn chế của Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL nói chung là không định hướng được trong thu hút đầu tư, dẫn tới tình trạng thu hút tràn lan các nhà đầu tư theo kiểu “nhét” cho đầy các KCN.

Còn tại Bình Thuận có 9 dự án sân golf được cấp phép đầu tư với tổng diện tích đến 3.664,3 ha nhưng đất dành cho 9 sân golf chỉ 1.136,5 ha, hơn 2 nghìn ha còn lại đều dành cho biệt thự, khách sạn. Đây là một minh chứng cho việc sân golf bị “biến tướng”. Ví dụ, sân golf 36 lỗ ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân (100% vốn Hàn Quốc) có vốn đầu tư 90 triệu USD với diện tích 329,7 ha nhưng sân golf chỉ có 90 ha. Diện tích còn lại doanh nghiệp đầu tư khoảng 400 ngôi biệt thự và 1 khách sạn 4 sao.

Một quan chức ở Bình Thuận (không nêu tên) khẳng định, những dự án tổ hợp có sân golf mục đích chính là chiếm đất chờ cơ hội, hoặc là để dùng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Một ngôi biệt thự ven biển Bình Thuận (300-500 mét vuông) hiện nay khoảng 350 ngàn USD nhưng diện tích đất ấy khi chuyển đổi mục đích Nhà nước không thu được bao nhiêu tiền cho ngân sách. Trong quy hoạch 2015 -2020, riêng khu vực xã Thiện Nghiệp của TP Phan Thiết có đến hai dự án có sân golf với tổng diện tích gần 1.800 ha. Như vậy đến năm 2020, riêng TP Phan Thiết có đến 5 sân golf, cả tỉnh là 15 sân golf.

Quá tải các nhà máy thép

Theo quy hoạch phát triển ngành thép VN giai đoạn 2007-2015 và xét đến năm 2025 của Chính phủ, cả nước có 23 dự án sản xuất thép các loại. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm cả nước đã có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch, nhưng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có 8 dự án nằm ngoài quy hoạch ngành thép được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Việc cấp phép các dự án thép tại tỉnh BR-VT quá nhiều nên quá trình chọn nhà đầu tư gần như không xem xét khả năng tài chính của họ. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, có 5 dự án chính thức báo cáo triển khai chậm tiến độ đầu tư vì lý do tài chính. Riêng dự án thép Essar (Ấn Độ) có công suất 2 triệu tấn thép cán/năm, dự kiến đầu tư trên 500 triệu USD, đã xin rút giấy phép đầu tư vì không có vốn triển khai. Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh BR-VT cho rằng, việc cấp phép 8 dự án nêu trên Sở Công thương hoàn toàn không biết, vì Ban quản lý các KCN kiểm soát quyết định cấp phép.
Phú Quốc được xem là điểm nóng về tình trạng thu hút đầu tư tràn lan hiện nay. Người dân ở đây thường ví von rằng mình là công dân của “đảo dự án”, vì trên đảo có hơn 230 dự án được cấp phép và cấp chủ trương đầu tư. Song, đến thời điểm này chỉ mới có 8 dự án đi vào hoạt động với diện tích 17,2 ha và số vốn đầu tư 888 tỉ đồng, 4 dự án khác đang triển khai xây dựng, tất cả các dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc lập quy hoạch 1/500 và lập phương án bồi hoàn giải tỏa.

Nghiêm trọng hơn, khi cấp phép tràn lan dự án nhà máy thép, tỉnh BR-VT lại “quên” phương án xử lý chất thải. Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh, chất thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ hoạt động sản xuất thép. Chỉ tính riêng khối lượng xỉ thải tại Nhà máy thép Việt đã lên đến 400 tấn/ngày, Nhà máy thép Phú Mỹ cũng tương đương 300 tấn/ngày...

Bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh BR-VT, cảnh báo: “Chúng ta phải thấy cái họa lâu dài trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do các dự án sản xuất thép gây ra, không thể để nhân dân và thế hệ con cháu chúng ta chịu những sai lầm từ những quyết định thiếu cân nhắc”. Trong chuyến thăm và làm việc tại BR-VT hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phê phán việc cấp phép quá nhiều dự án thép tại tỉnh này.

Thừa nhận có hiện tượng các địa phương thu hút ồ ạt đầu tư, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Thị Bích Vân cho rằng: "Thu hút đầu tư tràn lan là phá vỡ quy hoạch, trái với đường hướng của mình. Ở một số địa phương cứ thu hút trước, sau đó điều chỉnh quy hoạch trong khi cách tiếp cận đầu tư mới là chủ động từ khâu hình thành dự án, thu hút vào đâu và phát triển như thế nào chứ không phải nhà đầu tư trình bày dự án và rồi chúng ta cứ chạy theo họ”.

(Theo Thanh niên)

  • 132
  • By Admin
  • 01/09/2010
  • 17