Cấp giấy phép xây dựng sẽ thoáng hơn
Để giảm thiểu các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, thủ tục cấp giấy phép xây dựng cần thông thoáng, thuận lợi hơn. Trong ảnh: Lấy số thứ tự làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận Bình Thạnh. Ảnh: HTD.
“Thành phần hồ sơ cấp giấy phép xây dựng (GPXD) đã tối giản đến mức không còn có thể ngắn gọn hơn nữa. Vậy tại sao người dân vẫn không hài lòng, bằng chứng là chỉ số hài lòng về lĩnh vực cấp GPXD trong năm 2008 thấp?”. Để tìm câu trả lời, Sở Xây dựng TP.HCM đang cho cán bộ xuống các quận, huyện tìm hiểu cấp GPXD vướng ở khâu nào để tháo gỡ. Hai tuần qua, sở này đã làm việc với quận 10 và quận Bình Thạnh. Tuần này sẽ là quận Bình Tân rồi tiếp đến một số quận, huyện khác.
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số nhận định từ các buổi làm việc với các quận vừa rồi.
Bản vẽ, giấy chủ quyền đều vướng
* Xin cho biết ông nhận thấy khó khăn nhất của người dân khi xin GPXD hiện nay nằm ở khâu nào?
+ Đó là khâu chuẩn bị hồ sơ. Theo Quyết định 04 năm 2006, hồ sơ xin cấp GPXD gồm: Giấy chủ quyền nhà đất, đơn và bản vẽ. Hồ sơ như vậy là đơn giản lắm rồi, ở các nước cũng không thể ít hơn. Thời gian cấp phép cho cá nhân thì 15 ngày làm việc, cấp cho tổ chức thì 20 ngày. Với hồ sơ đã hoàn chỉnh thì giải quyết rất nhanh, đảm bảo không sai hẹn là chuyện quá đơn giản, thậm chí còn có thể xong trước hẹn. Nhưng muốn hồ sơ hoàn chỉnh để được cấp phép thì quá gian nan. Đây mới là khâu cần tìm hiểu và chấn chỉnh.
* Qua tìm hiểu ở các quận, cái vướng nhất trong hồ sơ khiến người dân bị từ chối cấp phép xây dựng là gì?
+ Chủ yếu là bản vẽ xin phép xây dựng là bản vẽ không đạt chuẩn chiếm khoảng 70%-80% trong các hồ sơ không được nhận hoặc bị trả ra để điều chỉnh.
Ngoài ra, khi đi thực tế thì mới lòi ra chuyện vướng mắc từ giấy chủ quyền. Trước đây, vì một lý do gì đó giấy chủ quyền không đúng diện tích thực tế. Sau đó, căn nhà này bán qua chủ mới, nếu thời điểm mua bán sau ngày Luật Đất đai năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2004 có hiệu lực thì phần diện tích ngoài chủ quyền này không được hợp thức hóa cho chủ mới. Cấp GPXD thì cũng chỉ cấp cho phần có chủ quyền. Phần còn lại thường người dân tự xây luôn, dù đó là đất của họ nhưng làm vậy là xây sai phép. Quận 10 cho biết nếu có cam kết của các nhà lân cận về việc không tranh chấp thì sẽ cấp phép xây dựng nhưng nếu có một người không chịu ký thì sẽ... họp tính tiếp! Một quận vài chục ngàn căn nhà mà giải quyết như vầy thì làm sao xuể?
Không được bắt lỗi về nội thất
* Có tình trạng mẫu bản vẽ các quận hướng dẫn tại bảng niêm yết biểu mẫu hồ sơ cũng không giống nhau. Chẳng hạn tại quận Bình Thạnh thì chi tiết đến bên trong nhà, còn quận 8 thì chỉ cần các mặt cắt đơn giản. Tại sao vậy, thưa ông?
+ Bản vẽ sai thì có nhiều nguyên nhân. Thành phố có gần 8.000 đơn vị tư vấn và không phải đơn vị nào cũng giỏi. Quy hoạch thì không đầy đủ, không rõ ràng. Rồi cũng có khi do chủ đầu tư muốn xây khác quy định mà đơn vị tư vấn cũng chiều theo nên bản vẽ bị trả. Có nơi xem thiết kế bên trong là bắt buộc phải có trong bản vẽ. Chẳng hạn mẫu bản vẽ niêm yết tại quận Bình Thạnh thể hiện cả chi tiết bên trong, nếu không giải thích rõ khiến người dân dễ hiễu lầm là bản vẽ giấy phép phải đúng như vậy, khi xây dựng cũng phải theo như vậy. Tôi khẳng định lại nội thất bên trong là ý chí của chủ đầu tư và đơn vị đo vẽ. Cơ quan cấp phép không xen vào, không dựa vào đó để bắt lỗi bản vẽ hoặc phạt nếu xây khác đi. Sau khi trao đổi, quận Bình Thạnh cho biết sẽ bỏ hướng dẫn này.
Tháo gỡ ngay nếu có thể
* Vậy Sở Xây dựng có phải đi thực tế từng nơi, hướng dẫn từng quận, huyện khắc phục các điểm còn chưa thống nhất, chưa hợp lý?
+ Tôi thấy rằng họp giao ban định kỳ giữa Sở Xây dựng và 24 quận, huyện như trước nay chưa ăn thua. Do đó lãnh đạo Sở phải xuống thị sát trực tiếp trao đổi với thường trực ủy ban các quận, huyện để tìm hiểu, tháo gỡ ngay những cái vướng nếu có thể. Ví dụ, xuống quận Bình Thạnh mới biết quận này vẫn hiểu chưa đúng về thiết kế bên trong căn nhà là do chủ đầu tư tự quyết. Hoặc nhắc nhở, hướng dẫn quận 10 phải cấp GPXD bình thường đối với khu vực xung quanh Bộ chỉ huy quân sự TP trước đây bị hạn chế độ cao nhưng nay quyết định hạn chế độ cao đã bị hủy bỏ. Một số khu cư xá ở quận 10 không phải là đối tượng được xây dựng cao tầng theo Quyết định 135 năm 2007 của UBND TP về quản lý kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch các khu này là do thẩm quyền của quận 10 chứ đâu có “treo” các khu cư xá...
Dĩ nhiên, Sở không thể đi hết 24 quận, huyện. Sau khi tìm hiểu về việc cấp GPXD một số nơi tiêu biểu, Sở sẽ tập hợp các quận, huyện lại, hỏi họ xem còn vướng gì nữa thì nói hết luôn rồi cùng giải quyết.
* Ông có tin rằng năm nay chỉ số hài lòng về thủ tục xin GPXD sẽ cao hơn không?
+ Mục đích của chương trình làm việc với các quận, huyện cũng vì muốn được như vậy. Chỉ số hài lòng còn phụ thuộc vào nhiều thứ, ví dụ như cấp GPXD vẫn là cơ chế xin-cho. Anh cho bốn tầng, tôi muốn xây năm tầng thì khó hài lòng. Khi quy hoạch đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, công khai đến từng tuyến đường, từng khu vực thì lúc đó việc cấp GPXD mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Một khi người dân biết được nhà mình ở đường này được xây bao nhiêu tầng, mật độ xây dựng ra sao... thì vừa đơn giản cho cơ quan cấp phép mà người dân cũng dễ thông cảm hơn.
* Xin cám ơn ông.
Theo Pháp luật TP
- 283
- By Admin
- 10/03/2009
- 17