Cấp đất cho dân nghèo an cư
Niềm vui an cư lập nghiệp
Chúng tôi đến tiểu khu 270 ở thôn 10, xã Thống Nhất và tiểu khu 192 ở thôn 5, xã Ðồng Nai, chứng kiến hàng trăm người dân suốt đời sống du canh, du cư, nay phấn khởi được nhận mốc giới đất sản xuất và đất tái định cư, chúng tôi thấy vui lây. Những khuôn mặt người dân rạng ngời khi biết diện tích đất được nhận là vườn cao-su xanh ngắt. Bà Ðiểu Thị Pré ở khu phố Ðức Thiện, thị trấn Ðức Phong, huyện Bù Ðăng không giấu được niềm vui: "Nhà mình lâu rồi không có đất sản xuất, nhà có bốn người ăn, chồng mình thì mất rồi. Hằng ngày cả bốn mẹ con mình phải đi lượm điều, hái tiêu thuê, mùa mưa vào rừng hái măng... kiếm sống qua ngày. Giờ được Nhà nước cấp đất, có chỗ ở, có đất trồng cây, mẹ con mình mừng lắm".
Các hộ dân ở thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước) nhận đất có một phần là cây cao su |
Từ sáng sớm, vợ chồng ông Ðiểu Cun ở ấp 5, xã Minh Hưng, đi bộ hàng chục cây số để có mặt tại xã Thống Nhất làm thủ tục nhận đất. Ông Ðiểu Cun chia sẻ: "Gia đình tôi có mười người, đất sản xuất không có, nghề nghiệp cũng không, chủ yếu đi làm thuê thôi. Nếu không có ai thuê, cả nhà đi mót củ mì ăn thay cơm. Giờ được Nhà nước cấp 0,8ha đất sản xuất gia đình tôi vui lắm, cảm ơn Ðảng và Nhà nước rất nhiều".
Hòa chung niềm vui với các hộ dân được cấp đất sản xuất tại tiểu khu 270 xã Thống Nhất, chúng tôi còn chứng kiến niềm vui và sự phấn khởi của 87 hộ dân đến từ bốn xã (Minh Hưng, Bình Minh, Phú Sơn, Ðồng Nai) khi được nhận nền tái định cư tại tiểu khu 192 xã Ðồng Nai theo Quyết định 33 và 193 của Chính phủ. Ông Ðiểu Mré ở xã Phú Sơn bày tỏ: Lâu nay gia đình mình phải mượn tạm đất của họ hàng dựng nhà ở. Nay được Nhà nước cấp 1 ha đất sản xuất, lại được hỗ trợ cả đất làm nhà nữa, cho nên gia đình vui lắm. Gia đình cố gắng làm ăn trên mảnh đất này và hy vọng sẽ thoát nghèo.
Ðể sử dụng đất hiệu quả
Lãnh đạo UBND huyện Bù Ðăng cho biết, đợt này có hơn 100 hộ dân là đồng bào DTTS của hai xã Thống Nhất và Ðồng Nai được nhận đất tái định canh, định cư theo Quyết định 33, 193 và Chương trình 134 của Chính phủ. Quá trình triển khai các Quyết định và chương trình này trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, hầu hết diện tích đất thực hiện đều đã có chủ. Nhiều nơi là đất bị xâm canh, lấn chiếm nhiều lần. Một số diện tích sau khi quy hoạch bị chủ cũ tái lấn chiếm, cố tình cản trở, gây khó dễ cho các hộ được thụ hưởng vào canh tác. Ngoài ra, một số hộ dân sau khi được giao đất đã cầm cố, sang nhượng, cho thuê... dẫn đến mất đất, tái nghèo. Vì vậy, để xóa nghèo bền vững cho các hộ đồng bào DTTS này rất khó.
Chị Thị Vơl ở khu phố Ðức Lợi, thị trấn Ðức Phong nói với chúng tôi: Nhà nước cấp đất trống, gia đình tôi không biết lấy tiền đâu để trồng cây. Nếu trồng cao- su, điều, cà-phê ít nhất năm năm mới được ăn, mà cũng mất nhiều tiền và công làm lắm. Vì vậy, được Nhà nước cấp đất có trồng sẵn cao-su, gia đình tôi rất vui. Ðợi năm năm cũng được, tôi sẽ làm thuê, sau đó xin vào làm tại công ty và chăm sóc vườn cây của mình.
Ðối với đất thuộc Chương trình 134, UBND huyện Bù Ðăng xây dựng phương án liên kết trồng cao-su với Công ty TNHH MTV cao-su Phú Riềng, đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt. Vì nhiều khu đất dốc, phải san ủi mặt bằng, mua vật tư, cây giống, phân bón..., nên nếu giao ngay đất trống cho đồng bào DTTS nghèo thì họ không thể làm được. Do đó công ty cao-su Phú Riềng sẽ bỏ vốn, kỹ thuật trồng cao-su, sau đó bàn giao và hướng dẫn người dân tự quản lý, khai thác vườn cây. Ðây là biện pháp hữu hiệu và bảo đảm việc sử dụng đất lâu dài và xóa nghèo bền vững cho các hộ đồng bào DTTS tại chỗ.
Theo Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Bù Ðăng, đến nay đã có 349/529 hộ đồng bào DTTS được cấp đất, với diện tích 276,21ha, trong đó, liên doanh với Công ty Phú Thịnh trồng cây cao-su cấp cho 118 hộ dân với diện tích là hơn 97 ha. Hiện vẫn còn hàng trăm hộ đồng bào DTTS khác phải chờ vì chưa tìm được quỹ đất hoặc có đất nhưng không thể định cư và canh tác được. Những người dân sống ở đây từ nhiều đời nay, rất mong Nhà nước đẩy nhanh chính sách định canh, định cư, sớm ổn định nơi ở, nơi sản xuất cho đồng bào. Ðồng thời chú ý đến "dạy cái nghề, con chữ, tạo việc làm" cho con em là đồng bào DTTS, như vậy mới thoát hẳn được cái nghèo, cái khó.
- 125
- By Admin
- 02/07/2014
- 17