• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Gập ghềnh vì giải phóng mặt bằng

Sau hơn 2,5 năm kể từ ngày khởi công, chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu vẫn đang phải chạy đua cùng thời gian để thời gian hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, để dự án có thể đưa vào khai thác vào quý III/2013 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT thì chủ đầu tư và các nhà thầu vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, đặc biệt là vấn đề mặt bằng…

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 61,3km, từ Ninh Hiệp (Hà Nội) đến Tân Lập (Thái Nguyên) có tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng (vốn vay ODA của Nhật Bản 6.944 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước 3.338 tỷ đồng). Tuyến được xây dựng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, trong đó giai đoạn I xây dựng 4 làn xe. Đây là dự án do hầu hết nhà thầu là các tổng công ty xây lắp lớn của Việt Nam triển khai.

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Gập ghềnh vì giải phóng mặt bằng | ảnh 1
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đến nay hình hài của tuyến đường cao tốc đã hiện rõ. Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA2 (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư cho biết, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu tập trung phương tiện, máy móc, khẩn trương thi công tại các khu vực đã có mặt bằng. Kiên quyết thay thế một số đơn vị năng lực thi công hạn chế để bảo đảm tiến độ các hạng mục, đồng thời yêu cầu nhà thầu đẩy mạnh thi công bù đắp khối lượng đã bị chậm. Đối với hạng mục đắp nền K95, các nhà thầu đang triển khai đồng loạt hơn 70 mũi thi công trên khoảng 51/61km. Khối lượng nền K95 thuộc phần xe chạy khoảng gần 4 triệu mét khối sẽ hoàn thành cơ bản vào tháng 9/2012, hoàn thành toàn bộ vào tháng 10/2012. Với hạng mục cống hộp, cống chui dân sinh, sẽ thi công đồng loạt từ nay đến hết tháng 10-2012 xong toàn bộ. Phần móng và mặt đường sẽ thi công cuốn chiếu liên tục trong 7 tháng (từ tháng 1 đến tháng 7/2013).

Đối với 6 nút giao liên thông, đã thi công nút Ninh Hiệp, quốc lộ 18, Sóc Sơn, Sông Công để hoàn thành đồng bộ với dự án. Hai nút Yên Bình, Tân Lập đang chờ thủ tục bổ sung vào dự án, dự kiến đầu tháng 7/2012 bắt đầu thi công. 19 cầu trên đường đã thi công đồng loạt các hạng mục móng cọc, mố trụ, đúc dầm. Toàn bộ 19 cầu sẽ hoàn thành cơ bản trước ngày 30/4/2013...

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Long, vướng mắc lớn nhất vẫn là GPMB. Hiện còn vướng gần 200 điểm với tổng cộng khoảng 10km, khiến việc thi công theo dây chuyền rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của toàn dự án. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng PID5 của Ban QLDA2 (phụ trách gói thầu PK1) cho biết: Riêng đoạn trên địa bàn Hà Nội, TP đã bàn giao được gần 22,5km trên tổng số 23,9km phải GPMB nhưng tiến độ xây dựng các khu tái định cư ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn để bố trí di dời dân rất chậm. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã cam kết sẽ bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư, qua đó bàn giao xong mặt bằng trong tháng 4/2012 nhưng đến nay, mọi việc vẫn "giẫm chân tại chỗ". Mố cầu Phù Lôi cũng chưa thể thi công do chưa có mặt bằng. Ngoài ra, đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương di dời đường điện cao thế và các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng tới dự án, nhưng đến nay cũng đang ách tắc.

Ban Quản lý dự án đề nghị UBND TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan bố trí đủ vốn để xây dựng khu tái định cư và sớm di dời các đường điện cao thế, công trình công cộng. Các nhà thầu có biện pháp đẩy nhanh thi công để bắt kịp tiến độ theo kế hoạch, bảo đảm trong năm 2012, các gói thầu đạt sản lượng hàng tháng khoảng 5% giá trị hợp đồng trở lên.

(Theo HNM)

  • 135
  • By Admin
  • 26/06/2012
  • 17